Những điều tuyệt đối không nên làm khi bế con mẹ bỉm sữa cần nhớ

Những điều tuyệt đối không nên làm khi bế con mẹ bỉm sữa cần nhớ

      Khi bế trẻ nhỏ trên tay cần hết sức lưu ý vì chỉ cần sơ sẩy một chút cũng có thể khiến bé bị tổn thương. Hãy luôn nhớ rằng trẻ sơ sinh rất mong manh, việc bế trẻ sai cách có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho trẻ. Bởi vậy, người lớn chúng ta nên thận trọng khi bế trẻ nhỏ, đặc biệt là các bà mẹ bỉm sữa. Cùng Trường Anh điểm danh 1 số sai lầm khi bế trẻ mà chúng ta cần tránh: 1. Bé không có điểm tựa ở đầu Các cơ ở cổ của trẻ sơ sinh chưa phát triển và thường mất khoảng 1 tháng để bé tự cử động đầu. Bởi vậy khi đầu bé không có điểm tựa chúng có thể bị lệch sang 1 bên, điều này có thể khiến cho bé bị thương hoặc khó thở. Vì vậy, nếu các bà mẹ có thói quen bế trẻ từ dưới nách cần lưu ý, hãy bỏ thói quen xấu này ngay nhé, việc này có thể khiến bé khó chịu đó. Ngoài ra hãy luôn nhớ tạo điểm tựa ở đầu cho bé bằng tay hoặc bằng cánh tay của bạn. 2. Không đỡ lưng và hông bé Ngoài phần đầu thì lưng và hông của bé cũng là những bộ phận mà các mẹ cần nâng đỡ. Theo quan sát thì hầu hết các bậc cha mẹ đều có thói quen chỉ đỡ em bé dưới đầu và phần mông, việc làm này cần loại bỏ ngay bởi nó có thể gây căng thẳng chấn thương, căng thẳng cho cột sống hoặc khiến bé bị rơi do thiếu sự cân bằng trong diện tích bề mặt. 3. Địu hướng mặt bé ra ngoài Bạn muốn con nhìn thấy mọi thứ xung quanh, nhưng đừng lạm dụng và biến cách bế này thành thói quen. Cách địu này có thể gây áp lực không cần thiết lên cột sống và háng của bé, hoặc khiến đùi trong của bé bị cọ xát. 4. Bế bé áp mặt trên vai Khi bé bị ợ, mẹ thường bế bé bằng cách ngực kề ngực. Khi bế bằng cách này hãy luôn chú ý để mặt của bé không bị che kín bởi vai của mẹ vì nó không chỉ gây khó thở mà bất cứ loại vải nào mà bạn đang mặc trên người đều có thể chui vào miệng hay mũi bé. Khi vỗ ợ cho bé, hãy chắc chắn rằng đầu của bé ở phía trên hoặc quay mặt ra khỏi vai bạn. 5. Làm nhiều việc cùng một lúc Không làm nhiều việc cùng lúc không có nghĩa là bạn tuyệt đối không được làm gì trong khi bế em bé. Tuy nhiên, các mẹ cần tránh làm những việc như uống đồ uống nóng hoặc sử dụng điện thoại mà không để ý tới con thì không nên. Ngoài ra khi bế em bé xuống cầu thang bạn cũng không nên làm việc khác cùng lúc, bởi khi bạn không tập trung, bé có thể ngã và bị chấn thương nghiêm trọng, thậm chí điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra. Hãy tập trung vào những việc bạn cần làm và để bé trong cũi hoặc nhờ người thân chăm sóc hộ. Trên đây là 5 sai lầm khi bế trẻ mà các mẹ bỉm sữa cần lưu ý, hãy tránh xa những sai lầm này để bảo vệ sức khỏe của con bạn nhé.
5 cách hiệu quả giúp phòng tránh dị tật thai nhi, mẹ bầu nên biết

5 cách hiệu quả giúp phòng tránh dị tật thai nhi, mẹ bầu nên biết

      Một số dị tật bẩm sinh có thể gặp ở trẻ đó là tinh hoàn lạc chỗ, sứt môi, hở hàm ếch, câm điếc bẩm sinh, tự kỉ,... Tuy nhiên, mẹ bầu đừng quá lo lắng bởi dị tật bẩm sinh ở thai nhi hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu mẹ bầu thực tuân thủ lời khuyên của bác sĩ và khám thai định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thêm vào đó, việc tạo cho bản thân 1 lối sống lành mạnh, khoa học cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh. Dưới đây là 5 cách giúp mẹ bầu phòng tránh dị tật thai nhi mà mẹ bầu có thể tham khảo: 1. Bổ sung axit folic Ống thần kinh được hình thành trong giai đoạn đầu khi mới hình thành thai nhi, sau đó ống thần kinh sẽ phát triển thành não và cột sống. Dị tật ống thần kinh là hiện tượng phát triển không bình thường của não và cột sống của thai nhi, gây ra dị tật như nứt đốt sống, vô sọ, bệnh về não. Theo Học viện Nhi khoa - Mỹ (AAP), axit folic là chất rất quan trọng vì nó giúp ngăn ngừa các khiếm khuyết, dị tật lớn ở não và cột sống của trẻ. Vậy nên việc bổ sung axit folic và vitamin B khác có thể làm giảm tỷ lệ đột biến gen dẫn đến dị tật, đồng nghĩa với việc nó sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ dị tật thai nhi. Việc bổ sung axit folic ít nhất 1 tháng trước khi thụ thai và trong thời gian có thai, nên bổ sung 400microgam (mcg) axit folic mỗi ngày. Bạn có thể bổ sung axit folic bằng thực phẩm tươi như gan, bông cải xanh, dậu phộng, hạt dẻ,… hoặc có thể bổ sung bằng 1 số TPCN như: Acid Folic 5mg Acid Folic Puritan's Pride Amifelic 2. Tiêm phòng đầy đủ Khi dự định có thai thì người mẹ nên đi khám sức khỏe tổng thể và tiêm phòng những bệnh cần thiết như cúm, rubella… trước từ 3-6 tháng để tránh nguy cơ mắc bệnh khi mang thai và gây ra các dị tật cho thai nhi. Đại học Sản - Phụ khoa Mỹ (ACOG) cho biết: Bệnh rubella (sởi Đức) có thể gây sảy thai hoặc điếc, mù, dị tật tim hoặc thiểu năng trí tuệ ở trẻ sơ sinh. Vậy nên, ACOG khuyến cáo mẹ bầu nên tiêm phòng 2 loại vắc xin bao gồm vắc xin cúm và vắc-xin Tdap (uốn ván, bạch hầu và ho gà) trước khi có thai. Thêm nữa, mẹ bầu cũng cần tham khảo thêm bác sĩ về cách phòng ngừa bệnh tật khi mang thai và biết cách tự chăm sóc mình tốt nhất khi bầu bí. 3. Loại bỏ rượu, bia, thuốc lá ra khỏi cuộc sống của mình Uống rượu khi mang thai có thể dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu, gây ra khuyết tật về thể chất, hành vi và trí tuệ của trẻ sau này. Vì vậy, tốt hơn hết là các mẹ đang mang bầu và chuẩn bị mang bầu nên kiêng kị tuyệt đối các loại rượu bia, đồ uống có cồn. Hút thuốc làm tăng nguy cơ cơ sinh non, tử vong trẻ sơ sinh và dị tật bẩm sinh như sứt môi hoặc vòm miệng.  Vậy nên, người mẹ cần nhớ loại bỏ ngay những thói quen xấu như uống rượu, bia, hút thuốc lá, ma túy và tiêu thụ caffeine để phòng tránh dị tật cho em bé của mình. 4. Giữ cân nặng khỏe mạnh Khi người mẹ bị thiếu cân, thừa cân, hay béo phì và đang có kế hoạch mang thai thì cần tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ để có thể đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Bởi, béo phì có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh nghiêm trọng cho thai nhi như các vấn đề về tim, dị tật ống thần kinh, các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ. 5. Thăm khám đầy đủ Trước khi có thai và đặc biệt là sau khi có thai, người mẹ cần nhớ tuân thủ nghiêm ngặt lịch khám và theo dõi thai kì mà bác sĩ đã đưa ra. Thêm nữa, người mẹ cần tiến hành thực hiện sàng lọc và chẩn đoán cần thiết khi mang thai sẽ giúp phát hiện sớm dị tật bẩm sinh ngay từ trong giai đoạn bào thai. Việc này sẽ giúp cho công tác điều trị được dễ dàng hơn, sẽ đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các bé và chính bản thân bố mẹ. Trên đây là 5 cách giúp mẹ bầu phòng ngừa dị tật bẩm sinh cho thai nhi hiệu quả, hãy áp dụng để bé có thể phát triển và có 1 cơ thể khỏe mạnh và bình thường như bao người.
Tư thế ngủ chổng mông lên trời của trẻ có tác dụng gì?

Tư thế ngủ chổng mông lên trời của trẻ có tác dụng gì?

      Tư thế ngủ “Chổng mông lên trời” của trẻ chắc hẳn không còn xa lại với nhiều bậc phụ huynh. Chúng ta thường nghĩ đây là thói quen của trẻ và sẽ thay đổi dần theo từng độ tuổi. Đúng là như vậy, tuy nhiên không phải bậc phụ huynh nào cũng biết tới lợi ích của tư thế ngủ này của trẻ. Vậy thì cùng Trường Anh tìm hiểu tác dụng của tư thế ngủ “Chổng mông lên trời” của trẻ nhé! 1. Tư thế ngủ “Chổng mông lên trời” giúp chất lượng giấc ngủ của bé tốt hơn Nhiều bậc phụ huynh có thẻ cảm thấy rằng bé sẽ không thoải mái với tư thế này tuy nhiên, sự thật là khi trẻ ngủ với tư thế nằm sấp “Chổng mông lên trời” chất lượng giấc ngủ của tẻ sẽ tốt hơn, ít thức giấc giữa đêm và thời gian ngủ dài hơn. Khi trẻ thường xuyên nằm sấp ngủ, điều đó có nghĩa là cơ thể bé cảm thấy thoải mái khi nằm ngủ ở tư thế này. 2. Đặt nền tảng cho các hoạt động vận động sau này Khi bé ngủ kiểu quỳ hay bò, đầu, cổ và lưng, chân tay thì các bộ phận trên cơ thể của trẻ đều phối hợp với nhau để tạo nên tư thế ngủ thoải mái nhất có thể cho bé. Điều này cũng tạo nền tảng vững chắc cho các bài tập vận động trong tương lai như bò, tập đi hay chạy của trẻ sau này. 3. Thúc đẩy hệ tiêu hóa của trẻ được tốt hơn Tư thế ngủ “Chổng mông lên trời” tức là lúc này trẻ đang nằm sấp với hai chân co lại sẽ giúp thúc đẩy nhu động ruột bé phát triển, giúp hệ tiêu hóa của trẻ ngày một hoàn thiện hơn. Như vậy, có thể thấy việc trẻ nằm sấp ngủ theo tư thế “Chổng mông lên trời” không những không có hại mà còn rất tốt đối với trẻ, các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng.
5 món đồ có thể giúp bé tự lập hơn cha mẹ có thể tham khảo

5 món đồ có thể giúp bé tự lập hơn cha mẹ có thể tham khảo

      Khuyến khích con cái học tập, phát triển và chơi là điều cha mẹ nào cũng mong muốn song song với đó các bậc phụ huynh thông thái ngày nay còn muốn dạy cho trẻ cách tự lập từ nhỏ bởi nó sẽ tạo cho bé 1 thói quen tốt, giúp bé tự lập hơn, không ỷ lại vào mọi người xung quanh. Thử nghĩ xem, mới ngày nào con chúng ta còn là những đứa trẻ nhỏ bé, đáng yêu và lúc nào cũng cần bố mẹ giúp mọi thứ, nhưng khi chúng học được cách tự lập thì nhanh thôi, trước khi chúng ta kịp nhận ra, thì các con đã lớn lên, trưởng thành với những ý tưởng, ý kiến và mong muốn của riêng chúng thì sẽ rất tốt đúng không! Dần dần bố mẹ sẽ có thể được nghe nhiều hơn câu "Để con tự làm!" hoặc thấy nhiều hơn hành động đẩy tay bố mẹ ra như một tín hiệu để cho bố mẹ biết rằng con không cần sự giúp đỡ của bố mẹ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết làm sao để dạy con tự lập. Để giúp dạy con cách tự lập thì cha mẹ có thể tham khảo 5 món đồ dưới đây. 1. Hãy chuẩn bị cho trẻ một bộ bát đĩa riêng Khi bạn chuẩn bị cho trẻ những bộ bát đĩa riêng, đặc biệt chúng lại còn ngộ nghĩnh và có màu sắc mà chúng thích thì bé sẽ cảm thấy hào hứng hơn trong các bữa ăn và thích được tự xúc ăn, tự xử lý bữa ăn của mình. Hơn thế nữa, khi bạt đặt những bộ bát dĩa này ở những nơi mà trẻ có thể dễ dàng lấy thì chúng lại càng hào hứng và việc này sẽ tạo thêm động lực cho trẻ trong việc tự soạn bát đĩa cho bản thân mỗi lần ăn uống. 2. Chuẩn bị bộ cốc tre Mỗi khi trẻ lấy nước uống thì cha mẹ thường sợ sợ trẻ sẽ làm võ cốc và không an toàn cho trẻ, bởi vậy người lớn chúng ta thường có thói quen lấy nước giúp trẻ, từ đây sẽ tạo cho trẻ 1 thói quen đó là mỗi khi cần uống nước chúng đều sẽ nhờ ai đó, đặc biệt là cha mẹ lấy giúp. Để xử lí tình trạng này thì cha mẹ có thể sắm những bộ cốc treo bằng nhựa để khuyến khích trẻ tự lấy cốc và lấy nước uống. 3. Chuẩn bị bộ đồ chơi xếp gỗ cho trẻ Những khối gỗ xinh xắn được làm từ gỗ không độc hại và không chứa chì vừa an toàn cho trẻ mà còn giúp cho trẻ rèn luyện khả năng tập trung, sáng tạo và đồng thời phát triển các kỹ năng vận động trí não. Ngoài ra, những bộ đồ chơi xếp gỗ cũng sé giúp trẻ học được cách kiên nhẫn bằng cách Thiết kế của bộ đồ chơi này sẽ khuyến khích sự kiên nhẫn khi làm bất cứ công việc gì. 4. Giỏ đựng đồ chơi Mỗi lần trẻ chơi đồ chơi xong thường vứt đồ chơi lung tung khắp nhà, thì thay việc bạn tự dọn dẹp thì hãy chuẩn bị cho trẻ 1 cái giỏ đựng và cho trẻ tự thu dọn đồ chơi của mình. 5. Ghế tự lập cho bé Chắc hẳn nhiều bậc phụ huynh đang thắc mắc chiếc ghê này thì giúp ích gì được? Chiếc ghế này giúp ích rất nhiều trong việc dạy trẻ tự lập đó nhé. Những chiếc ghế tự lập sẽ hỗ trợ cho trẻ rất nhiều khi đang gặp khó khăn như là trẻ không thể tự lấy đồ trên bàn bếp, không với tới bồn rửa tay để rửa tay, hoặc đánh răng,… Trên đây là 5 món đồ giúp trẻ học được cách tự lập hơn mà cha mẹ có thể tham khảo, chỉ với những món đồ đơn giản cũng có thể giúp bé tự lập hơn thì tại sao ta lại bỏ qua đúng không nào!
Nguyên nhân khiến trẻ bị suy nhược cơ thể và cách xử lý

Nguyên nhân khiến trẻ bị suy nhược cơ thể và cách xử lý

“Trẻ bị suy nhược” khi nhắc tới vấn đề này, chắc hẳn sẽ có rất nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng trẻ không thể bị suy nhược, chỉ có người lớn mới bị suy nhược. Tuy nhiên, suy nghĩ này hoàn toàn sai, bởi suy nhược cơ thể là tình trạng mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần,… vậy nên việc trẻ bị suy nhược hoàn toàn có thể xảy ra. Suy nhược cơ thể ở trẻ nhỏ là cụm từ diễn tả một trẻ ốm yếu; thường ta hay nói là trẻ suy dinh dưỡng hay trẻ còi cọc, trẻ suy kiệt. Nguyên nhân khiến trẻ bị suy nhược đó là do thiếu một số dưỡng chất thiết yếu cho hoạt động của hệ thần kinh, hệ võng mạc, hệ tuần hoàn,... Cụ thể như sau: Nguyên nhân khiến trẻ bị suy nhược Trẻ bị suy nhược do rất nhiều nguyện nhân, có thể là do bệnh lý trong cơ thể, có thể do hoạt động quá sức, có thể do thiếu nghỉ ngơi, thiếu cung cấp năng lượng. Khác với người lớn, ở trẻ em, suy nhược cơ thể được xác định bởi một số tác nhân như sau: Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng: Ở trẻ em, việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, ở một số trẻ, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng sẽ làm cho cơ thể trẻ không có đủ các chất dinh dưỡng để giúp cơ thể phát triển, tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt về dinh dưỡng dẫn đến suy nhược cơ thể. Trẻ biếng ăn: Đối với các bé từ 2-4 tuổi thường có biểu hiện biếng ăn, thích uống sữa. Tuy nhiên, việc uống sữa không thể nào cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để trẻ có thể phát triển toàn diện. Nếu các mẹ không tìm ra phương pháp xử lý kịp thời giúp khắc phục thói xấu của trẻ thì nguy cơ trẻ mắc bệnh về suy nhược cơ thể là rất cao. Do mắc các bệnh viêm nhiễm: Trẻ em sức đề kháng kém, thường dễ mắc phải các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, tiêu chảy, giun sán, bệnh trào ngược dạ dày. Khi mắc phải một trong những căn bệnh trên, trẻ thường cảm thấy khó chịu và biếng ăn. Đối với các bậc cha mẹ thường chăm trẻ theo cảm tính, cứ trẻ bệnh là ra ngoài thuốc tây để mua thuốc về chữa trị. Khi dùng một số loại thuốc kháng sinh điều trị cho trẻ, chúng không chỉ có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn có hại gây bệnh mà còn có thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi ở đường ruột dẫn đến rối loạn đường tiêu hóa kéo dài, điều này khiến trẻ biếng ăn và thức ăn không được hấp thụ triệt để. Ảnh hưởng tâm lý: Đối với người lớn, áp lực có thể là công việc, cuộc sống gia đình, xã hội... là nguyên nhân gây stress và suy nhược. Còn đối với trẻ em ở độ tuổi từ 3 tuổi trở lên, trẻ đã nhận thức sớm thì chính mâu thuẫn giữa bố mẹ với nhau hoặc trẻ thường hay bị la mắng, khi đi học bị thầy cô, bạn bè triêu chọc, bạo lực..., trẻ sẽ có cảm giác buồn tủi, sợ sệt, lo lắng... lâu ngày chính những vấn đề này sẽ tác động rất nhiều đến sức khỏe của trẻ làm ảnh hưởng đến tinh thần cũng như thể chất của trẻ. Cần làm gì khi trẻ bị suy nhược? Vậy khi trẻ bị suy nhược, phụ huynh cần phải làm sao mới đúng? Phụ huynh cần xem xét tình trạng sức khỏe của bé: Đối với trẻ biếng ăn, ăn kém, cần tới chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn. Nếu bé mắc một bệnh lý cấp tính như viêm phổi, tiêu chảy cấp hay bệnh lý mạn tính như suyễn không được kiểm soát tốt, sốt kéo dài, lao phổi, bệnh lý về máu, bệnh tim bẩm sinh..., cần được điều trị dứt điểm. Khi trẻ mệt mỏi, ăn kém kèm theo triệu chứng hô hấp hay tiêu hóa thì nhất định phải được thăm khám kỹ lưỡng để phát hiện bệnh lý kịp thời. Trẻ nhỏ khác với người lớn chúng ta, người lớn chúng ta khi bị bệnh vẫn có thể hoạt động, làm việc bình thường do chưa phát hiện ra hoặc do ý thức cố lướt qua bệnh tật. Nhưng, ở trẻ nhỏ, mọi sự thay đổi trong cơ thể thường được biểu hiện ra bên ngoài, ví dụ khi trẻ muốn mọc răng, biết lật biết lẫy, hay sắp bị bệnh, trẻ thường sốt nhẹ hay bỏ ăn,... Do đó, vấn đề theo dõi định kỳ trẻ nhỏ là rất quan trọng. Không phải để khi bé bệnh mới đi khám. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi khám ít nhất 1 lần mỗi tháng, trẻ 2 tuổi khám 2 tháng/lần, trẻ 3 tuổi khám 3 tháng/lần..., trẻ trên 6 tuổi thì nửa năm khám 1 lần. Trẻ khỏe mạnh là trẻ ăn ngủ bình thường, lên cân tốt, phát triển thể chất vận động tốt, phát triển ngôn ngữ và lời nói tốt. Do đó, mỗi trẻ em đều phải được theo dõi trên biểu đồ cân nặng và chiều cao, nếu trẻ ăn ít nhưng hoạt động tốt, phát triển ngôn ngữ vận động tốt thì không có gì phải lo lắng. Ngược lại, trẻ phát triển quá tốt về cân nặng và chiều cao nhưng lại chậm về vận động cũng như tiếp xúc khó khăn thì phải được theo dõi sát và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. Khi khám định kỳ, bác sĩ nhi khoa sẽ tư vấn về dinh dưỡng, tiêm phòng ngừa và theo dõi sự phát triển toàn diện của trẻ.
Khi trẻ mắc lỗi, bố mẹ cần xử trí ra sao?

Khi trẻ mắc lỗi, bố mẹ cần xử trí ra sao?

Ai cũng biết trẻ con thường xuyên mắc lỗi, nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết cách nên xử trí ra sao mới hợp lý. Ai cũng nghĩ rằng chỉ cần cha mẹ nghiêm khắc sẽ tạo cho con có kỷ luật, tuy nhiên nghiêm khắc như thế nào là đúng thì không phải ai cũng biết và làm được. Một điều nữa mà cha mẹ cần biết đó là khi trẻ mắc sai lầm, thái độ và cách giáo dục của cha mẹ sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và sự trưởng thành của con rất nhiều. Chẳng hạn như trong một chương trình truyền hình thực tế “Bố Ơi, Mình Đi Đâu Thế?” (phiên bản Trung Quốc). Chương trình thử thách bé Hạ Thiên cùng Đại Tuấn giữ những que kem, không được để cho người khác ăn mất. Hai bé vốn nghe lời, nhưng sau được một người khác tên là Hồ Quân dùng lời lẽ ngon ngọt xúi bẩy và những cây kem đã bị xử lý gọn nhẹ. Hạ Thiên sau khi ăn kem xong bèn chủ động nhận lỗi với cha, thẳng thắn thừa nhận mình đã ăn mất chúng. Còn bản thân Đại Tuấn thì lại trốn tránh lấp sau cánh tủ vì sợ bố phê bình. Cảnh tượng khiến người xem vừa buồn cười vừa thương bé. Tại sao biểu hiện của hai bé lại khác nhau như vậy? Là bởi vì cách giáo dục của 2 ông bố khác nhau. Vậy khi trẻ mắc lỗi thì cha mẹ nên xử trí sao mới đúng, hãy đọc thông tin dưới đây để biết thêm nhé! 1. Sau khi trẻ mắc sai lầm, cha mẹ tuyệt đối không được cô lập tình cảm với trẻ Thông thường các bậc phụ huynh hay thắc mắc rằng là: "Phải làm gì khi trẻ hay nói dối? Phải làm gì khi trẻ không thừa nhận sai lầm?" Thực ra các hành vi đó của trẻ đến từ thái độ và cách xử trí của cha mẹ sau khi trẻ mắc lỗi. Chuyên gia tâm lý Alfred W.Adler từng nói: "Phía sau những vụ việc nói dối, nhất định phải sẽ có cha mẹ nghiêm khắc". Có một số phụ huynh rất sợ con mình mắc lỗi, cho rằng đó là một sự sỉ nhục, nó sẽ khiến mình mất mặt. Vì vậy, khi trẻ phạm sai lầm sẽ dẫn tới sự bùng nổ cảm xúc của họ, và họ sẽ dùng những lời cay nghiệt mắng trẻ hoặc dùng mọi cách để trẻ phải ghi nhớ chuyện đó lâu dài. "Không cho trèo lại cứ trèo!" "Ngã rồi chứ gì, đáng đời! Ai bảo không chịu nghe lời!" Hoặc dùng cách đơn giản và thô bạo, trẻ luôn cảm thấy mình bị cha mẹ cô lập tình cảm, cảm thấy mình không được đón nhận, không được yêu thương, bị cho ra ngoài rìa. Dần dần trẻ sẽ cho rằng mắc lỗi là chuyện vô cùng mất mặt, thậm chí lại còn phải chịu sự trách mắng đánh đập của cha mẹ nữa. Khi cha mẹ chỉ quan tâm tới việc trách cứ lỗi lầm, sẽ khiến cho trẻ sẽ nỗ lực giấu diếm cái sai của mình, khi cha mẹ cho phép trẻ mắc lỗi, trẻ sẽ nỗ lực sửa chữa. Tại sao Hạ Thiên lại dũng cảm thừa nhận lỗi của mình? Điều này có liên quan tới cách dạy dỗ của cha Hạ Thiên. Cho dù Hạ Thiên làm điều gì, cha của bé - Hạ Lập Khắc vẫn rất nhẫn nại hướng dẫn cho bé, dù có trách phạt thì cũng sẽ nói rõ cho bé rằng bé sai ở điểm nào, đồng thời bằng lòng cùng bé giải quyết hậu quả. Còn bố của Đại Tuấn - Lâm Vĩnh Kiên sau khi biết con mình ăn mất kem bèn phê bình nghiêm khắc bé. Thậm chí còn khủng bố bằng những câu nói như: "Cha không thương con nữa, con tự suy nghĩ đi". Nói xong bỏ mặc bé ở lại một mình. 2. Trẻ phạm sai lầm cũng cần sự đồng cảm từ phía cha mẹ Sau khi làm sai 1 việc gì đó, có rất nhiều trẻ nhanh chóng nhận thức được mình đã mắc lỗi, tự trách bản thân, sợ hãi, cảm xúc rối loạn. Khi đó, việc đầu tiên cha mẹ cần làm không phải là trách mắng trẻ mà là cần an ủi cảm xúc trẻ. Lúc này, khi trẻ nhận được sự đồng cảm, cảm thấy được sự an ủi vỗ về từ phía cha mẹ thì cha mẹ hãy lựa lời khuyên bảo, từ sự việc rút ra bài học, đó mới là cách hiệu quả nhất. Ngày nay, khi trẻ mắc sai lầm thường bị cha mẹ nổi giận trách mắng, nhưng lại không chỉ cho trẻ biết con sai ở đâu và cách sửa sai như thế nào. Cho nên, có nhiều trẻ lớn lên trong môi trường kém sự văn minh như vậy trẻ cảm thấy cô độc và cảm phải đối phó với nhiều người, không biết phải làm sao sửa chữa. Thay vì nói đạo lý, trách mắng, chi bằng hãy dạy cho trẻ phương pháp sửa sai, dẫn dắt trẻ hành động đúng đắn. 3. Hãy để trẻ lớn lên trong môi trường thoải mái và ấm áp Phương pháp giáo dục quá hà khắc, một khi trẻ mắt lỗi sẽ bị roi vọt và lăng mạ, thì trẻ lớn lên trẻ sẽ ít hành động hơn vì "làm ít thì lỗi ít", việc gì cũng không dám thử, thậm chí còn nói dối để che đậy lỗi lầm của chính mình. Mỗi đứa trẻ đều dùng cái tâm hiếu kỳ của mình để nhận biết thế giới này, thông qua phạm sai lầm, không ngừng chạm vào giới hạn quy tắc, nhưng cũng trong quá trình không ngừng nhận thức rõ quy tắc từ đó hình thành tính kỷ luật của trẻ. Vậy nên, qua những điều trên các bậc phụ huynh hãy lựa chọn cách dạy trẻ phù hợp, hãy làm những bậc phụ huynh thông thái để con trẻ được phát triển một cách tốt nhất.
4 hành động của mẹ thông thái, càng làm nhiều trẻ càng thông minh

4 hành động của mẹ thông thái, càng làm nhiều trẻ càng thông minh

Sự phát triển EQ của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào nền giáo dục của cha mẹ, và nếu như mẹ thường xuyên thực hiện 4 hành động sau đây thì chắc chắn trẻ lớn lên sẽ thông minh và thành công. EQ của trẻ không giống với IQ, IQ đến từ Gene, không dễ gì thay đổi, tác dụng của IQ là năng lực giúp nắm vững kiến thức và kỹ năng. EQ dựa vào sự bồi dưỡng mà thành, được thay đổi bởi sự ảnh hưởng của các nhân tố môi trường và con người xung quanh, tác dụng của EQ chính là năng lực thông qua sự liên tưởng, vận dụng và phát huy IQ. Nếu như không có EQ thì dù cho IQ có cao đến mấy cũng khó thành công trong cuộc sống. Bởi vậy, ngày nay việc bồi dưỡng EQ đã được rất nhiều ông bố bà mẹ quan tâm tới, họ bồi EQ cho trẻ từ nhỏ giúp cho trẻ ngày càng lạc quan, hài hước, tự tin và khả năng giao tiếp với người xung quanh tốt hơn, từ đó càng nhận được nhiều tình cảm của mọi người. Những bậc cha mẹ thông thái đều hiểu rõ, có những lúc EQ không phải là dạy sẽ có, mà chính cha mẹ phải lấy bản thân làm gương, từ đó sự lạc quan, hài hước của cha mẹ sẽ lây lan sang con. Chúng ta cùng nhau xem mẹ thông thái sẽ làm như thế nào! Mẹ là người mà trẻ thường ỷ vào nhất, vậy nên nếu như mẹ thường xuyên làm bạn và ôm con sẽ giúp trẻ cảm thấy được an toàn, và cảm thấy được yêu thương. Cảm giác an toàn của trẻ càng lớn thì tính cách của trẻ càng tự tin, lạc quan. Khi trẻ cảm thấy được yêu thương, cảm nhận được tình yêu của mẹ dành cho mình, trẻ sẽ thấy thế giới này thật đẹp, lạc quan và sẽ chủ động giúp đỡ người khác, chủ động xây dựng các mối quan hệ với người khác. 2. Khen ngợi đúng lúc Cha mẹ cần thường xuyên khen ngợi con, tuy nhiên không phải lúc nào cũng khen, luôn miệng nói "con rất giỏi",  mà phải khen đúng lúc đúng thời điểm, và khen rõ tốt ở đâu, việc gì làm đúng. Như vậy, dưới những lời khen ngợi và sự dẫn dắt của mẹ, trẻ mới có sự nhận thức đầy đủ về sự vật, sự việc, kinh nghiệm càng phong phú, tăng cường năng lực phán đoán đúng sai, năng lực nhận thức của trẻ. 3. Thường nói với con rằng "mẹ tin con, nói cho mẹ biết được không?" Dùng lời nói để biểu đạt là yếu điểm của đa số trẻ nhỏ, khi trẻ mắc lỗi hoặc gặp trắc trở, chúng ta nên nói rằng "mẹ tin con, nói cho mẹ biết nguyên nhân xem nào?". Việc này sẽ giúp trẻ giảm nhẹ sự bất an và lo lắng trong lòng, sẽ khích thích sự logic ngôn ngữ của trẻ, khi trẻ thổ lộ cách nghĩ và nguyên nhân mắc lỗi, trẻ sẽ nhận ra rằng nói chuyện có hiệu quả hơn bạo lực cảm xúc nhiều. Một đứa trẻ biết biểu đạt sẽ có EQ ngày càng cao. 4. Nói với trẻ rằng "có cần mẹ giúp đỡ không?" Tiết tấu của trẻ luôn chậm hơn so với người lớn, khi trẻ không theo kịp chúng ta được, hoặc có một áp lực nào đó khiến trẻ có cảm xúc tiêu cực, nếu như lúc đó không nhận được sự giúp đỡ từ người khác, sẽ rất dễ khiến trẻ lớn lên có tính cách lạnh lùng vô tình. Cho nên, khi chúng ta khích lệ trẻ tự lập cũng chớ quên nói với trẻ rằng "có cần mẹ giúp gì không?" trẻ có EQ cao sẽ đón nhận sự giúp đỡ từ người khác, cũng sẽ vui lòng đi giúp đỡ người khác.
Nắng nóng gay gắt, bà bầu có nguy cơ thiếu ối và cách phòng tránh

Nắng nóng gay gắt, bà bầu có nguy cơ thiếu ối và cách phòng tránh

Phụ nữ mang bầu rất vất vả, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng thì càng vất vả và mệt mỏi hơn. Vậy nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe của bà bầu như thế nào, và làm thế nào để bà bầu giữ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng này? Cùng theo dõi nội dung dưới đây để có thêm kiến thức về vấn đề này! Theo PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, thời tiết nắng nóng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi nhưng nó lại ảnh hưởng rất nhiều đến người mẹ, đặc biệt là những bà bầu phải làm việc ngoài trời, làm việc ngoài cánh đồng. Ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng đối với bà bầu cũng giống như với các đối tượng nguy cơ cao như người già, người có bệnh mãn tính, tim mạch đó là có thể bị say nắng, sốc nhiệt. Nắng nóng quá mức ảnh hưởng mạnh đến huyết động. Những điều này rất nguy hiểm với bà bầu vì huyết động thay đổi mạnh sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn tử cung rau. Nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, thậm chí ngừng tuần hoàn cả mẹ và con. Thêm nữa việc thời tiết nắng nóng mẹ bầu còn phải đối mặt với nguy cơ mất nước và mất muối vì ra mồ hôi nhiều. Với người khỏe, sự bồi phụ mất nước, mất muối rất dễ, nhưng với phụ nữ mang thai sự bồi phụ rất khó khăn. Khi bị mất nước, mất muối cơ thể sẽ tự điều chỉnh co mạch để phân phối tuần hoàn và ưu tiên cấp máu đến một số nơi. Chính vì thế, mất muối mất nước kéo dài sẽ làm co động mạch tử cung lại, làm gián đoạn tuần hoàn tử cung rau và dẫn đến thai bị ảnh hưởng đến sự phát triển, đặc biệt gây ra hiện tượng thiểu ối. Thiểu ối do nắng nóng có thể hồi phục nhưng đây cũng được coi là một trong những stress thai nghén, PGS.TS Trần Danh Cường phân tích. Với riêng những phụ nữ mang thai có bệnh huyết áp cao và tiền sản giật cần phải chú ý nguy cơ đột qụy, tai biến do tăng giảm huyết áp đột ngột khi đi ra ngoài nắng và đi vào trong lạnh. Nguyên nhân là khi nhiệt độ thay đổi đột ngột sẽ dẫn đến thay đổi huyết động đột ngột và dẫn đến các biến cố nghiêm trọng với người huyết áp cao nói chung và người phụ nữ mang thai bị huyết áp cao nói riêng. PGS.TS Trần Danh Cường lưu ý với bà bầu phải làm việc ngoài trời những ngày này nên tránh buổi trưa và đầu giờ chiều. Mẹ bầu cần uống đủ nước. Thông thường mỗi ngày uống 1,5 lít nước, những ngày nắng nóng nên uống nhiều hơn khoảng từ 2 -2,5 lít nước. Phụ nữ mang thai cũng có thể uống thêm các loại nước có muối khoáng, tuy nhiên không nên tự ý pha muối vào nước. Đồng thời chị em nên tránh xa nước ngọt đóng chai, hạn chế sử dụng các loại nước có chứa nhiều đường như nước mía, nước dừa…. Trên đây là một số lưu ý và khuyến cáo của PGS.TS Trần Danh Cường dành cho các bà bầu mỗi khi thời tiết nắng nóng gay gắt. Mẹ bầu hãy bỏ túi để có thể áp dụng khi cần nhé!
6 điều mẹ bầu cần phải làm khi biết mình có thai

6 điều mẹ bầu cần phải làm khi biết mình có thai

Mang thai và sinh con là một hành trình vô cùng quan trọng đối với mỗi người phụ nữ. Vậy nên, ngay khi biết mình có thai, mẹ bầu cần phải làm 6 điều dưới đây, đặc biệt là trong ba tháng đầu của thai kì. 1. Thông báo cho chồng, gia đình và người thân biết việc mình có thai Mang thai là 1 tin tức tốt vậy nên chẳng có lí do gì mà mẹ bầu không báo cho gia đình người thân, đặc biệt là chồng mình cả. Khi có thai mẹ bầu nên báo ngay cho chồng và gia đình, những người thân quan trọng đối với bản thân mình biết. Nếu không tiện để báo ngay (vì 1 lý do gì khó nói) thì cũng không sao cả, mẹ bầu hoàn toàn có thể chọn báo cho ai và báo vào thời điểm nào đó thích hợp hơn. Hoặc nếu bạn quá vui và háo hức, không thể chờ được và muốn chia sẻ niềm vui cho ai đó thì bạn có thể nói ngay với một người lạ cũng không sao cả. Bạn vừa có thể thể hiện và chia sẻ niềm vui vừa cũng có thể nhận được lời chúc mừng từ họ. 2. Nói không với bia rượu, thuốc lá và dừng uống thuốc Bia rượu hay hút thuốc lá trong quá trình mang thai rất nguy hiểm cho em bé trong bụng, có khả năng gây dị tật và làm giảm sự phát triển trí não ở thai nhi, bất kể lượng tiêu thụ là bao nhiêu. Vì thế, tốt nhất, mẹ bầu nên nói "không" với bia rượu và thuốc lá để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Đối với việc sử dụng thuốc, nếu bạn đang có vấn đề về sức khỏe và uống thuốc thì bạn nên kiểm tra thật kỹ hướng dẫn sử dụng và chống chỉ định của loại thuốc mà mình đang dùng, tốt nhất là nên tham khảo và xin ý kiến của bác sĩ để chắc chắn xem liệu mình có phải dừng uống vì sự an toàn của thai nhi hay không. 3. Đặt lịch đi khám thai Khi có thai bạn cần được khám định kỳ bởi bác sĩ chuyên khoa, việc này sẽ giúp bạn có được lời khuyên đúng đắn cho một thai kì khỏe mạnh ngay từ bước đầu và sớm phát hiện được những vấn đề của thai nhi để kịp thời xử lí. Ví dụ, nếu bạn có bất kỳ hay tất cả các triệu chứng dưới đây thì hãy đi khám ngay để xem mình có thể có nguy cơ sảy thai hay không: - Đau lưng từ nhẹ đến nặng (tệ hơn cả hội chứng tiền kinh nguyệt). - Dịch nhầy trắng - hồng. - Các cơn co thắt thực sự (rất đau và xảy ra mỗi 5 đến 20 phút). - Chảy máu màu nâu hoặc đỏ tươi và bị hoặc không bị chuột rút. - Mô giống như cục máu đông từ âm đạo. - Dấu hiệu mang thai tự nhiên biến mất. 4. Ăn uống lành mạnh và bổ sung thêm các loại vitamin cần thiết cho phụ nữ mang thai Thai nhi trong thời gian phát triển cần rất nhiều dưỡng chất, vậy nên để thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh thì mẹ bầu nên có một chế độ ăn cân bằng và đa dạng đầy đủ dưỡng chất và uống đủ nước. Vitamin bổ sung cho bà bầu cũng rất tốt, đặc biệt sắt, canxi, acid folic là ba thứ rất cần thiết cho các bà mẹ mang thai. 5. Tập thể dục thường xuyên Tập luyện thường xuyên không chỉ giúp mẹ bầu khỏe mạnh mà còn giúp quá trình "vượt cạn" dễ dàng hơn. Ngoài ra, vận động còn làm tinh thần phấn chấn hơn, giảm stress và dễ lấy lại vóc dáng ban đầu sau khi sinh hơn. Những bài tập phù hợp cho mẹ bầu gồm có: yoga, bơi, pilates, đi bộ,... Mẹ bầu cũng nên chú ý rằng tập luyện là tốt nhưng tuyệt đối không nên tập với cường độ nặng và quá sức. 6. Nghỉ ngơi đầy đủ Bạn đang nuôi trong mình một mầm sống nên việc cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi là những vấn đề thông thường và dễ hiểu khi mang thai. Hãy đảm bảo rằng bạn lắng nghe cơ thể mình, ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ.
Điểm mặt những thực phẩm bà bầu không nên bỏ qua khi mang thai

Điểm mặt những thực phẩm bà bầu không nên bỏ qua khi mang thai

Khi mang thai, việc bổ sung thực phẩm lành mạnh sẽ giúp cung cấp hỗn hợp tối ưu các chất dinh dưỡng cho bé. Bắt đầu từ tháng thứ 3 của thai kì, mẹ bầu sẽ cần bổ sung khoảng 300 calo trong chế độ ăn uống mỗi ngày. Trường Anh sẽ mách nhỏ mẹ bầu 1 số thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng, mẹ bầu nên bổ sung vào bữa ăn hàng ngày cho mình. Đậu đỗ Đậu xanh, đậu lăng, đậu đen và đậu nành cung cấp chất xơ, protein, sắt, folate, canxi và kẽm. Sữa chua (ít béo hoặc không béo) Sữa chua là nguồn dồi dào protein, canxi, vitamin B và kẽm. Sữa chua thường chứa nhiều canxi hơn sữa. Thịt bò Phần nạc bò, chẳng hạn như bít tết thịt bò phần lưng trên chứa nhiều protein, vitamin B6, B12, niacin, cũng như kẽm và sắt ở dạng hấp thụ cao. Thịt bò cũng rất giàu choline, cần thiết cho sự phát triển trí não và năng lực nhận thức cao nhất. Quả mọng Quả mọng chứa nhiều carbohydrate, vitamin C, kali, folate, chất xơ và chất lỏng. Các chất phytonutrients trong quả mọng là hợp chất thực vật tự nhiên giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại. Sữa Sữa là một nguồn cung cấp tuyệt vời canxi, phốt pho và vitamin D - chất dinh dưỡng tạo xương mà mẹ và con cần mỗi ngày. Sữa cũng rất giàu protein, vitamin A và vitamin B. Nước cam Nước cam có thêm canxi và vitamin D chứa cùng hàm lượng các chất dinh dưỡng này giống sữa. Thêm vào đó, nước cam cung cấp lượng lớn vitamin C, kali và folate. Thịt lợn thăn Thịt lợn thăn tương tự ức gà không xương, không da. Nó chứa nhiều các vitamin B gồm thiamin, niacin, vitamin B6, kẽm, sắt và choline. Cá hồi Cá hồi cung cấp protein, vitamin B và chất béo omega-3 thúc đẩy sự phát triển não bộ và thị lực của trẻ. Khoai lang Khoai lang chứa nhiều vitamin C, folate, chất xơ và carotenoids - các hợp chất mà cơ thể bạn chuyển đổi thành vitamin A. Chúng cũng cung cấp kali với số lượng lớn. Phô mai (tiệt trùng) Phô mai cung cấp một lượng lớn canxi, phốt pho và magiê cho xương và thai nhi, cộng với vitamin B12 và protein (hãy sử dụng các loại phô mai ít béo). Trứng Trứng cung cấp tiêu loại protein cực kỳ chất lượng bởi chúng chứa tất cả các axit amin mà bạn và em bé của bạn đều cần để phát triển khỏe mạnh. Trứng cũng bao gồm hơn 10 loại vitamin và khoáng chất, chẳng hạn choline, lutein và zeaxanthin. Một số nhãn hàng cung cấp trứng giàu chất béo omega-3 mà bé cần để phát triển trí não và thị lực tốt nhất, vì vậy hãy kiểm tra nhãn hiệu trước khi mua. Bông cải xanh Loại rau này cung cấp folate, chất xơ, canxi, lutein, zeaxanthin, carotenoids để tăng cường thị lực; kali để cân bằng dịch và huyết áp. Hơn thế nữa, bông cải xanh cũng chứa các nguyên liệu thô để sản xuất vitamin A trong cơ thể. Ngũ cốc nguyên cám ​ Ngũ cốc nguyên cám giàu axit folic và các loại vitamin B khác, sắt và kẽm. Ngũ cốc nguyên chất cung cấp nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng hơn các loại ngũ cốc tinh luyện, chẳng hạn như bánh mì trắng, gạo trắng và bột mì trắng.
6 cách đơn giản giúp bảo vệ bé an toàn trong mùa dịch

6 cách đơn giản giúp bảo vệ bé an toàn trong mùa dịch

     Dịch Covid-19 vẫn đang là mối đe dọa xung quanh mỗi chúng ta, hãy bỏ túi 6 bí kíp dưới đây để giúp bé an toàn trong mùa dịch này nhé. 6 bí kíp này hứa hẹn sẽ là trợ thủ đắc lực giúp mẹ bảo vệ bé khỏi virus, phát triển khỏe mạnh. Dạy bé cách giữ vệ sinh cá nhân Vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp trẻ tránh được sự xâm nhập của vi khuẩn, virus gây bệnh. Mẹ có thể hướng dẫn bé tự bảo vệ bản thân khi ở nhà và chốn công cộng như không dụi mắt, mũi bằng tay mà sử dụng khăn giấy; dùng khuỷu tay che miệng khi hắt xì hơi, ho; bấm thang máy bằng khuỷu tay và rửa tay sau khi tiếp xúc với các vật dụng chứa nhiều vi khuẩn (như là tay nắm cửa, điện thoại di động, nút bấm trong thang máy…). Cho bé ngủ đủ giấc Thời điểm này các bé đang được nghỉ hè vì vậy lịch trìnhsinh hoạt của trẻ ít nhiều sẽ bị đảo lộn, bé có xu hướng dành nhiều thời gian để chơi thay vì ăn đúng bữa và ngủ đủ giấc như khi ở trường. Mẹ nên biết, trong thời gian ngủ, cơ thể sẽ tiết ra các hormone quan trọng hỗ trợ quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng cần thiết cho hoạt động trong ngày. Vì vậy, hãy cho bé ngủ đủ giấc, bởi ngủ đủ giấc sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện, ít gặp vấn đề về sức khỏe. Đối với trẻ từ 1-3 tuổi 1 ngày nên ngủ từ 13-13,5 tiếng, còn đối với trẻ từ 3-6 tuổi nên ngủ đủ 11-11,5 tiếng mỗi ngày. Kiểm tra thân nhiệt cho bé mỗi ngày Việc kiểm tra thân nhiệt cho bé cần được tiến hành thường xuyên kể cả khi bé không ra ngoài. Đây là cách đơn giản nhất để nhận biết những dấu hiệu bất thường ở cơ thể trẻ. Từ đó, các bà mẹ có thể phòng tránh và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Trang bị khẩu trang cho bé Virus nCoV (Covid-19) xâm nhập vào cơ thể và lây lan qua đường hô hấp, bởi vậy việc trang bị khẩu trang cho trẻ là việc làm cần thiết khi ra ngoài. Mẹ nên nhớ đeo khẩu trang cho con phải che kín cả mũi lẫn miệng, cũng như hướng dẫn bé cách đeo khẩu trang đúng cách: Không sờ tay lên khẩu trang, khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn và không tái sử dụng. Luôn mang nước rửa tay khô khi ra ngoài Rửa tay thường xuyên khi tiếp xúc với các vật dụng dùng chung, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là một trong những thói quen mà ba mẹ nên tập cho bé làm quen, bởi đây là giải pháp phòng ngừa Covid-19 được Bộ Y tế khuyến cáo. Trẻ em vốn hiếu động, nghịch ngợm nên rất dễ tiếp xúc với các môi trường, vật dụng thiếu vệ sinh. Khi không được rửa sạch, tay bé sẽ tích tụ hàng nghìn vi trùng và nếu chạm vào mắt và mũi, sẽ tạo điều kiện các vi trùng, vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Để trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc rửa tay, mẹ cần hướng dẫn bé rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chuẩn bị sẵn nước rửa tay khô để bé tự giác bảo vệ bản thân. Đổi mới bữa ăn mỗi ngày và bổ sung cho bé đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết Ngoài việc ngủ đủ giấc thì việc ăn uống điều độ, đủ chất cũng sẽ giúp bé khỏe mạnh, hạn chế ốm vặt và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đặc biệt khi đang trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc ăn uống đủ chất bổ sung chất dinh dưỡng cho bé lại càng cần phải chú ý. Để bé thêm hứng thú với việc ăn uống, mẹ hãy đổi mới thực đơn mỗi ngày, chế biến các món ăn mới và trang trí đẹp mắt để kích thích bé ăn nhiều hơn, ngon miệng hơn. Để tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch và sức đề kháng cho con, mẹ có thể cho bé dùng thêm các loại thức uống dinh dưỡng có chứa HMO và colostrum. Với những bí quyết ở trên sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho bé hiệu quả, vậy nên các mẹ đừng bỏ qua mà hãy thử áp dụng cho bé nhà mình ngay nhé!
Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat với Dược Sĩ