Món ăn và bài thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch
Chắc hẳn ban đã biết, đã từ rất lâu trong dân gian đã có rất nhiều vị thuốc, bài thuốc điều bổ những rối loạn về Âm Dương, Khí huyết trong cơ thể, qua đó giúp điều trị nhiều bệnh và tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Và bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết tới những món ăn và bài thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch để có thể nấu cho gia đình ăn giúp bồi bổ cơ thể cũng như bảo vệ sức khỏe.
Nhân sâm
Theo y học cổ truyền, nhân sâm có tác dụng bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí. Nhân sâm được dùng để trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể mới ốm dậy.
Y học hiện đại đã có nhiều công trình nghiên cứu xác nhận tác dụng dược lý của nhân sâm như tăng lực, tăng trí nhớ, bảo vệ và tác động lên hệ miễn dịch giúp chống viêm, bảo vệ tế bào chống lão hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Món ăn, đồ uống từ nhân sâm:
Gà hầm sâm:
Nguyên liệu: 1 con gà con, 100g gạo nếp, 50g hạt sen, 2 củ nhân sâm tươi, 4 quả táo tàu, 10g gừng tươi, 10g cam thảo, 20 nhánh tỏi, 20 g hành lá, muối, hạt tiêu xay.
Cách làm: Gà đã làm thịt, được sơ chế sạch. Vo sạch gạo nếp đã chuẩn bị và ngâm gạo trong khoảng 1 giờ, sau đó nhồi một ít gạo vào bụng gà và cho thêm táo vào phần bên trong mình gà. Cho nước và các gia vị còn lại như gừng, hạt sen, cam thảo, tỏi… vào nồi để đun sôi khoảng 30 phút. Sau đó đem gà thả vào nồi nước đã đun sôi rồi hầm cho đến khi gà đủ độ chín.
Canh nhân sâm tuyết lê:
Nguyên liệu: Nhân sâm 6 g, lê trắng 1 quả, mộc nhĩ trắng 20 g, kỷ tử 12g, hạt sen 12g, đường phèn vừa đủ.
Cách làm: Ngâm hạt sen và mộc nhĩ trắng, sau đó đem mộc nhĩ trắng thái miếng. Lê gọt vỏ, thái thành miếng. Nhân sâm thái lát. Tất cả cho vào bát đậy nắp đem chưng cách thủy khoảng 2 giờ, cho thêm đường phèn vừa đủ.
Canh nhân sâm hạt sen:
Nguyên liệu: Nhân sâm 6g, hạt sen 12g.
Cách làm: Ngâm hạt sen và nhân sâm cho mềm rồi đem nhân sâm thái lát mỏng. Cho nhân sâm và hạt sen vào bát đậy nắp, hấp cách thủy một giờ. Sau đó, bắc ra cho đường phèn vừa đủ là có thể dùng được.
Rượu nhân sâm tươi:
Nguyên liệu: Nhân sâm tươi 1kg, rượu trắng (38-40 độ): 10 lít.
Cách làm: Nhân sâm rửa sạch xếp vào bình, đổ rượu ngập sâm. Sau khoảng 6 tháng là dùng được.
Hải sâm
Theo y học cổ truyền hải sâm có vị mặn, tính ấm đi vào các kinh tâm, tỳ, thận và phế. Có công năng bổ thận ích tinh, thêm tinh tủy, tráng dương, sát khuẩn, dưỡng huyết, nhuận táo, sử dụng trị mọi chứng hư lao như các chứng huyết hao tổn, hư nhược, liệt dương, di tinh, mộng tinh, tiểu tiện nhiều lần.
Một số nghiên cứu dược lý cho thấy hải sâm chứa một số hợp chất có lợi cho sức khỏe tổng thể như chất chống oxy hóa phenol và flavonoid, được chứng minh là làm giảm viêm trong cơ thể. Hải sâm cũng rất giàu các hợp chất gọi là triterpene glycoside, có đặc tính kháng nấm, chống ung thư và tăng cường miễn dịch.
Món ăn và bài thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch từ hải sâm:
Cháo hải sâm:
Nguyên liệu: Hải sâm 30g, gạo nếp 100g.
Cách làm: Cho cả hai thứ ninh nhừ thành cháo nêm gia vị vừa miệng và ăn ngày 1 liều chia vài lần, cần ăn trong 5 - 7 ngày liền.
Hải sâm om nấm:
Nguyên liệu: 0,3kg hải sâm, 15g nấm đông cô, 1 củ tỏi, 12 cây cải chíp, 1 bát nước dùng gà, 2 thìa cà phê mì chính, 1 thìa cà phê đường kính, 2 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê hạt tiêu, bột đao, 1,5 thìa cà phê đường, dầu hào,
Cách làm:
Hải sâm đã làm sạch, cắt miếng vừa ăn.
Nấm đông cô ngâm nước, thái lát mỏng. Đặt chảo cho một ít dầu và tỏi đã bóc vỏ, giã nhỏ vào xào vàng. Sau đó cho nước dùng gà vào.
Cho tiếp nấm đông cô và hải sâm vào om. Bật lửa vừa phải và om khoảng 10 phút, sau đó nêm gia vị: mì chính, đường, hạt tiêu.
Cho cải chíp đã bỏ bớt lá vào. Cuối cùng cho một ít bột đao hòa nước vào để tạo độ sánh là dùng được.
Hải sâm hầm táo đỏ đảng sâm:
Nguyên liệu: Táo đỏ 10 quả, đảng sâm 10g, hải sâm 50g, nấm mèo 30g, cà rốt 100g, rượu 10ml, gừng 5g, muối 5g, hành 10g, nước luộc gà 300ml, dầu ăn 50g.
Cách làm: Táo đỏ bỏ hạt, nấm mèo, hải sâm ngâm cho nở, thái miếng, cà rốt thái khúc khoảng 4cm, hành thái khúc, gừng đập giập. Để chảo nóng rồi đổ dầu vào, cho gừng, hành vào phi thơm rồi bỏ hải sâm, rượu, muối, đảng sâm, táo đỏ, nấm mèo, cà rốt vào xào đều, đổ canh gà vào, vặn lửa nhỏ hầm cho chín. Ngày ăn một lần, mỗi lần ăn 25g hải sâm.
Hoàng kỳ
Theo y học cổ truyền, hoàng kỳ có tác dụng bổ nguyên khí, tăng cường các chức năng của tạng phủ; bổ tỳ, vị. Có tác dụng giải độc, trị lở loét, giảm đau, hoạt huyết.
Hoàng kỳ còn chữa các bệnh về cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, dị ứng, thiếu máu, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS, bệnh thận, bệnh đái tháo đường. Hoàng kỳ phòng ngừa bệnh ung thư bởi chứa chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi những tổn thương.
Món ăn, bài thuốc từ hoàng kỳ:
Ngọc bình phong tán:
Thành phần: Hoàng kỳ 16g, bạch truật 12g, phòng phong 8g.
Cách dùng: Tán bột mịn trộn lẫn. Ngày uống 8-12g chia làm hai lần.
Tác dụng: Ích khí kiện tỳ, cố biểu chỉ hãn. Trên lâm sàng: Dùng để trị các chứng biểu hư, dễ cảm mạo, đối với người hay bị cảm mạo, dùng bài này có thể nâng cao sức khỏe.
Thập toàn đại bổ thang:
Thành phần: Đảng sâm 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 10g đương quy 12g, xuyên khung 12g, thục địa 16g, bạch thược 12g hoàng kỳ 10g, nhục quế 6g.
Cách dùng: Thang sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: Bổ khí huyết, ôn thông kinh lạc.
Bổ trung ích khí thang:
Thành phần: Hoàng kỳ 16g, chích thảo 4g, thăng ma 6g, đảng sâm 12g, đương qui 12g, sài hồ 8g, bạch truật 12g, trần bì 6g.
Cách dùng: Thang sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: chữa cơ thể vốn hư nhược dễ bị cảm mạo, mệt mỏi ra mồ hôi.
Canh gà hoàng kỳ:
Nguyên liệu: Gà 1 con, hoàng kỳ 10g, hạt sen 10g, kỷ tử 5g, táo đỏ 10g, dầu lạc 10g, muối 1g, gừng vài lát nhỏ, rượu trắng 10g.
Cách làm: Rửa sạch gà cho vào nồi, cho phần rượu trắng để rửa lại lần nữa. Tiếp theo, gà chặt miếng vừa ăn. Cho gà, hoàng kỳ, hạt sen vào nồi hầm cùng nhau trong khoảng 1 giờ cho mềm. Tiếp đến cho táo đỏ kỷ tử vào đun cùng khoảng 20 phút. Cuối cùng cho gia vị vừa ăn là được.
Cháo hoàng kỳ táo đỏ:
Nguyên liệu: Hoàng kỳ 10g, táo đỏ 3 quả, lúa mạch 100g.
Cách làm: Hoàng kỳ ninh nhừ trong 2 lần để lấy nước. Táo đỏ, lúa mạch rửa sạch và ngâm với nước. Cho tất cả những nguyên liệu trên vào nồi nước hoàng kỳ vừa ninh. Đun nhỏ lửa trong khoảng 45 phút. Sau đó, bắc ra cho đường phèn vừa đủ là có thể dùng được.
Trên đây là cách làm những món ăn và bài thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả bạn có thể tham khảo và nấu cho gia đình ăn để bồi bổ sức khỏe và giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh để có thể phòng ngừa các bệnh khi giao mùa.
Mách bạn: Cách làm siro ho để phòng ngừa, trị ho hiệu quả tại nhà
Thời điểm thời tiết giao mua nhất là khi chuyển giao từ thu sang đông là thời điểm dễ mắc phải các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, ho - đờm - đau rát họng, mất tiếng, khản tiếng, nhiệt miệng. Để có thể khắc phục những bệnh này bạn có thể tham khảo cách phòng và điều trị bằng siro ho tự làm ở nhà theo cách dưới đây.
Trước khi tới với cách làm siro ho để phòng ngừa, trị ho tại nhà quaythuoc.org xin kể bạn nghe 1 câu chuyện của gia đình bà Trần Thị Oanh ở Thụy Khuê, Hà Nội như sau:
“Cả tuần qua mưa gió, chuyển màu nên sáng ra bé Bi cháu nội bà Trần Thị Oanh (Thụy Khuê, Hà Nội) đã húng hắng ho. Mẹ bé khá lo lắng và định lấy đơn thuốc cũ ra hiệu mua kháng sinh để "uống chặn" ho ngay vì sợ nếu để lâu không uống sẽ gây ra biến chứng thành viêm phế quản, hoặc nặng hơn nữa.
Nhưng bà Oanh ngăn lại, và cho bé Bi uống siro ho tự chế. Mẹ bé Bi vội đi làm nên để bé ở nhà với bà nội mà không yên tâm chút nào. Nhưng chiều về thấy con khỏe mạnh, không bị tăng ho như mọi lần thì ngạc nhiên lắm. Tối đó, mẹ bé hỏi về thứ siro ho tự chế của mẹ chồng, và rất vui khi biết lâu nay mẹ chồng tự làm siro vừa phòng ngừa ho khi trái gió trở trời, vừa chữa trị cơn ho.”
Trong Đông y có phương thuốc trị viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, ho - đờm - đau rát họng, mất tiếng, khản tiếng, nhiệt miệng...) bằng siro ho có thể tự làm tại nhà để uống phòng bệnh khi chuyển mùa và những ngày lạnh.
Cách làm như sau:
Nguyên liệu:
Diếp cá 80g.
Bách bộ 80g.
Hoa kim ngân 60g.
Hoa cúc 30g.
Quả trám 80g (có thể thay bằng quả kha tử 80g).
Quả đười ươi 80g (hoặc thay bằng bạch chỉ 60g).
Mạch môn 30g.
Vỏ cam quýt 20g.
Bạc hà 20g.
Cát cánh 40g.
Cam thảo 10g.
Mật ong lượng vừa phải.
Cách làm:
Quả trám, quả đười ươi đập nát.
Mạch môn và cát cánh thái lát nhỏ mỏng.
Tất cả cho vào nồi đổ 1.600 - 1800ml nước đun sôi bùng lên rồi hạ lửa nhỏ đun âm ỉ thêm 15-20 phút. Rồi cho nốt các vị thuốc còn lại vào đun tiếp đến khi còn lại chừng 400-500ml nước cốt, thì vớt bã thuốc, lọc lấy nước cốt.
Cho mật ong vào hỗn họp nước thuốc khuấy đều một lúc rồi tắt lửa để nguội thì đổ vào lọ thủy tinh bảo quản tốt dùng dần. Mỗi ngày 3-5 lần, mỗi lần 1-2 thìa (trẻ em thìa nhỏ, người lớn thìa to hơn).
Công dụng: Giúp thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, sát trùng, bổ phổi, lợi hầu họng tiêu thũng, trừ ho tiêu đờm, nhuận phế… rất hiệu quả để giúp phòng, hoặc trị bệnh.
Trên đây là cách làm siro ho để phòng ngừa, trị ho hiệu quả tại nhà rất dễ làm mà lại mang lại hiểu quả rất tốt. Bạn có thể tham khảo và chế biến cho gia đình đặc biệt là cho trẻ sử dụng để có thể phòng ngừa được các bệnh có thể xảy ra khi giao mùa nhé!
Xoa cổ tay chữa ho khan, bấm huyệt lòng bàn tay trị ho có đờm
Khí hậu thay đổi, ngồi phòng máy lạnh, hay nóng lạnh thất thường rất dễ bị ho khan, ho có đờm. Nếu không ngăn chặn ngay thì cơn ho sẽ dài hơn, ảnh hưởng tới mọi người xung quanh, dẫn tới viêm đường hô hấp, viêm họng, viêm phế quản,… nhất là trẻ nhỏ chỉ sau 1 giờ ho đã diễn tiến bệnh rất nhanh. Nhưng không phải lúc nào cũng có thuốc chặn đứng cơn ho. Đông y có cách trị dứt điểm cơn ho bằng day bấm huyệt rất dễ làm, giúp cơ thể không bị kéo dài tình trạng ho mệt mỏi và khó chịu như Cách xoa cổ tay chữa ho khan, bấm huyệt lòng bàn tay trị ho có đờm.
Việc day ấn các huyệt vị là kích thích cơ học trực tiếp vào da thịt, thần kinh và mạch máu – nhằm thay đổi nội tiết, thể dịch, thần kinh để khí huyết lưu thông, thúc đẩy hoạt động của lục phủ ngũ tạng.
Day ấn huyệt đúng có thể ngăn chặn khá hữu hiệu cả những cơn ho do cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, hoặc đã khỏi cảm cúm nhưng ho dai dẳng.
Day bấm huyệt Xích trạch
Để xác định huyệt Xích trạch cần đưa bàn tay về phía trước, khuỷu tay hơi gập. Bàn tay kia sờ vào đường ngấn khuỷu tay bạn sẽ thấy một sợi gân to - huyệt Xích trạch nằm ở điểm giao của sợi gân này với đường ngấn khuỷu tay.
Khi bị ho dùng 4 ngón tay xoa bóp quanh huyệt nóng lên. Lấy ngón cái đặt lên vị trí huyệt rồi day bấm liên tiếp 1 phút. Sau đó đổi tay.
Theo Đông y, huyệt Xích trạch có thể dùng cho các chứng ho, giúp thanh nhiệt, trị về phế quản, làm sạch phổi. Làm liên tục 4 – 5 ngày sẽ cải thiện triệu chứng ho khan, ho dai dẳng, ho có đờm, chứng khó thở… mà không phải dùng thuốc. Cách làm như sau:
Hãy để tay duỗi trước ra, bốn ngón của tay kia vòng quay khuỷa tay, ngón cái đặt vào huyệt Xích trạch bấm liên tục 1 phút.
Duỗi một tay, bốn ngón của tay kia đặt dưới cổ tay, ngón cái đặt vào huyệt Xích trạch bấm tiếp 1 phút.
Day bấm huyệt Khổng tối, hay xoa cổ tay chữa ho
Huyệt Khổng tối nằm trên cổ tay 7 thốn, hỗ trợ điều trị các chứng bệnh của phổi như ho ra máu, ho dai dẳng, viêm họng, khan tiếng, người không toát mồ hôi, khuỷu tay đau nhức khó cử động,…
Cách làm: Hai tay giữ trước bụng, 1 bàn tay căng ra, 1 bàn tay hướng lên trên. Với bàn tay hướng lên trên, vòng bốn ngón tay xuống dưới dùng ngón tay cái ấn vào huyệt khổng tối 14 lần. Giữ nguyên tư thế trên, lần này dùng bốn ngón tay vòng xuống dưới xoa bóp nhẹ nhàng trong vòng 1 phút.
Day bấm huyệt Thái uyên
Huyệt Thái uyên nằm ở mặt quay cổ tay, ngay ngoài động mạch quay, ở chỗ lõm dưới chỏm chân quay. Xác định huyệt bằng cách hơi co bàn tay vào phía cẳng tay, tại bờ ngoài lằn chỉ cổ tay, gần xương tay quay, tạo thành 1 chỗ rất (thái) lõm, như 1 cái hố sâu (uyên) - gọi là Thái uyên, chủ trị ho có đờm, ho suyễn, ngực đau, lưng và vai đau, quanh khớp cổ tay đau… Huyệt Thái uyên còn hỗ trợ trị các cơn ho phát tác lúc nửa đêm, sáng sớm.
Cách làm: Đặt hai tay dưới bụng, lòng bàn tay hướng vào trong, một bàn tay hướng xuống dưới. Dùng ngón cái của bàn tay hướng xuống bấm vào huyệt thái uyên liên tục 14 lần. Đổi tay và thực hiện liên tiếp trong vòng 3 phút.
Huyệt Thái uyên có thể áp dụng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhưng ít lực và nhẹ nhàng hơn.
Có thể thoa thêm một chút dầu gió để cổ tay ấm lên và chặn đứng cơn ho.
Xoa bóp huyệt Thái Uyên trông như xoa bóp cổ tay trái trị ho, giúp dịu nhanh tình trạng đau rát, khô và ngứa ngáy cổ họng, cắt giảm tốt các cơn ho khan.
Xoa lòng bàn tay trái chữa ho có đờm
Nếu bị ho có đờm, viêm họng hay đau họng thì hãy xoa bóp vùng lòng bàn tay ở phía dưới ngón áp út của bàn tay trái - có tác dụng long đờm, tan đờm, giảm sưng viêm, sớm thoát khỏi cảm giác khó chịu ở họng.
Có thể dùng công cụ hỗ trợ như chìa khóa xe, cây lăn day ấn trong lòng bàn tay trái ngay tại phía dưới ngón áp út, xoa bóp 3 phút, hoặc cho đến khi lòng bàn tay có cảm giác ấm lên thì dừng lại. Làm 3 – 4 lần/ngày là khỏi.
Việc dùng ngón tay cái của bàn tay phải xoa liên tục vào mặt trong của bàn tay trái trong 3 phút trông bề ngoài như là xoa bàn tay trái chữa ho. Nhưng thực ra là cách bấm huyệt… trị ho.
Nếu khi ho kèm theo dấu hiệu của cảm cúm, như chảy nước mũi đều kết hợp với bấm huyệt Hợp cốc.
Cách bấm huyệt trị ho trên đơn giản, dễ thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc để ngắt cơn ho ngay mà không cần dùng thuốc. Nếu có thể thì ủ ấm huyệt đạo bằng tinh dầu, cao dán để cắt giảm tình trạng ho (như ho khan, ho có đờm, ho kèm viêm họng và sốt…) an toàn, không gây tác dụng phụ.
Có thể tự xoa bóp cho chính mình, tự tìm ra các huyệt làm tương tự day bấm như day bấm cho người khác. Phương pháp này làm được cả cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh và khi làm thì làm rất nhẹ.
Sau đó nếu không có dấu hiệu thuyên giảm là đã viêm nhiễm nặng, hoặc vì bệnh lý khác nên cần phải đi khám sớm.
Ai không nên bấm huyệt trị ho
Bấm huyệt trị ho hiệu quả, dễ thực hiện, nhưng chỉ an toàn khi được sử dụng đúng cách, đúng tình trạng bệnh. Muốn đạt hiệu quả xoa bóp, day ấn huyệt cắt cơn ho thì cần có bác sĩ có chuyên môn "cầm tay chỉ việc" đúng huyệt, rồi hãy làm theo.
Lưu ý là không phải đối tượng nào cũng có thể áp dụng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt trị ho, một số người sau không nên dùng phương pháp này như:
Không bấm huyệt trị ho cho người bị chấn thương xương khớp, người có vết thương hở và kín vì có thể gây chấn thương và nhiễm khuẩn.
Không tự ý day bấm các huyệt ở đốt sống cổ, cột sống, trung khu hô hấp vì dễ gây co rút cổ, bong gân cột sống, ảnh hưởng tới các cơ quan khác.
Nếu cơ ho kéo dài, ho dai dẳng, ho kèm theo máu, nóng sốt, khó thở thì tốt nhất sớm đi khám để được bác sĩ điều trị đúng cách.
Lưu ý khi chữa ho bằng phương pháp bấm huyệt
Chữa ho bằng phương pháp day bấm huyệt hiệu quả, nhưng cần xác định huyệt đúng để không gây biến chứng:
Day bấm huyệt xong người ho không ăn uống đồ nguội lạnh.
Hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn, môi trường ô nhiễm.
Năng rèn luyện thể thao, luôn giữ ấm cơ thể. Tăng cường bổ sung dưỡng chất cho cơ thể để nâng cao sức đề kháng.
Trên đây là cách xoa cổ tay chữa ho khan, bấm huyệt lòng bàn tay trị ho có đờm bạn có thể tham khảo, ngoài ra còn có thêm 1 số lưu ý cần chú ý trước khi sử dụng những phương pháp này.
Mách bạn: 10 thực phẩm tốt cho phổi
Phổi là một bộ phận rất quan trọng trong cơ thể con người. Nó giúp cho con người có thể duy trì sự sống bằng 20.000 nhịp thở mỗi ngày. Vì vậy, cùng tìm hiểu một số thực phẩm tốt cho phổi qua bài viết sau đây.
1. Sữa chua
Sữa chua là thực phẩm đặc biệt tốt cho phổi. Trong sữa chua rất giàu canxi, kali, phốt pho. Theo nghiên cứu cho thấy, những chất dinh dưỡng này có thể giúp tăng cường chức năng phổi và bảo vệ bạn chống lại nguy cơ COPD.
2. Việt quất
Trong một nghiên cứu cho thấy lượng quả việt quất có liên quan đến tốc độ suy giảm chức năng phổi chậm nhất và việc tiêu thụ 2 hoặc nhiều quả việt quất mỗi tuần làm chậm chức năng phổi giảm tới 38%, so với lượng tiêu thụ thấp hoặc không có quả việt quất.
Quả việt quất có nhiều chất dinh dưỡng, và tiêu thụ của chúng có liên quan đến một số lợi ích sức khỏe, bao gồm bảo vệ và bảo tồn các chức năng của phổi. Trong quả việt quất giàu anthocyanin, bao gồm malvidin, cyanidin, peonidin, delphinidin và petunidin.
Anthocyanin là các sắc tố mạnh mẽ đã được chứng minh là bảo vệ mô phổi khỏi tổn thương oxy hóa.
3. Nghệ
Củ nghệ thường được sử dụng để tăng cường sức khỏe tổng thể do tác dụng của chất chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ của nó. Curcumin, thành phần chính có trong củ nghệ, đặc biệt có lợi cho việc hỗ trợ các chức năng phổi.
Thực tế cho thấy, lượng curcumin cao ở những người hút thuốc có liên quan đến chức năng phổi lớn hơn 9,2% nhiều so với những người hút thuốc không tiêu thụ chất curcumin.
4. Bí ngô
Bí ngô chứa nhiều hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe phổi. Đặc biệt trong bí ngô giàu carotenoids, bao gồm beta carotene, lutein và zeaxanthin, tất cả đều có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ. Các nghiên cứu cho thấy rằng lượng carotenoids trong máu cao hơn có liên quan đến chức năng của phổi tốt hơn. Những người hút thuốc có thể hưởng lợi đáng kể từ việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu carotene như bí ngô.
5.Trà xanh
Trà xanh là một loại đồ uống có tác dụng ấn tượng đối với sức khỏe. Họp chất EGCG là một chất tập trung trong trà xanh. Nó tự hào có các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và đã được chứng minh là có tác dụng ức chế xơ hóa hoặc sẹo của các mô.
Xơ phổi là một bệnh đặc trưng bởi sẹo phổi tiến triển, ảnh hưởng đến chức năng của phổi. Một số nghiên cứu cho thấy rằng EGCG có thể giúp điều trị căn bệnh này.
6. Ca cao
Các sản phẩm ca cao như sô cô la đen có nhiều chất chống oxy hóa flavonoid và hợp chất khác gọi là theobromine, giúp thư giãn và tốt cho phổi.
Đặc biệt trong ca cao có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các triệu chứng hô hấp dị ứng và có thể giúp cơ thể bạn bảo vệ chống lại ung thư phổi.
Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy những người có mức tiêu thụ flavonoid cao hơn từ thực phẩm, bao gồm cả các sản phẩm từ sô cô la, có chức năng phổi tốt hơn so với những người có chế độ ăn ít chất flavonoid.
7. Cà phê
Ngoài việc tăng năng lượng cho bạn, một cốc cà phê buổi sáng có thể giúp bảo vệ phổi của bạn. Cà phê là một trong những thực phẩm tốt cho phổi vì trong cà phê có chứa caffeine và chất chống oxy hóa. Nghiên cứu cho thấy rằng uống cà phê có thể giúp cải thiện chức năng phổi và bảo vệ bạn chống lại các bệnh về đường hô hấp.
Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy rằng uống cà phê dài họn tác động tích cực đến chức năng phổi và giảm nguy cơ mắc các bệnh về hen suyễn.
8. Dầu oiliu
Dầu ô liu là một nguồn tập trung các chất chống oxy hóa, chống viêm, bao gồm polyphenol và vitamin E, có lợi cho sức khỏe. Mỗi ngày một muỗng dầu ô liu có thể giúp cơ thể bạn bảo vệ và chống lại các tình trạng hô hấp như hen suyễn.
Một nghiên cứu cho thấy những người sử dụng dầu ô liu hằng ngày sẽ thúc đẩy quá trình giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao. Hơn nữa với chế độ ăn Địa Trung Hải, gồm dầu ô liu, đã được chứng minh là có lợi cho chức năng phổi đối với người hút thuốc, cũng như những người mắc bệnh COPD và chứng hen suyễn.
9. Táo
Một nghiên cứu chỉ ra rằng thường xuyên ăn táo có thể giúp thúc đẩy chức năng của phổi. Ăn táo mỗi ngày sẽ làm cho nguy cơ hen suyễn và ung thư phổi thấp hơn. Điều này là do nồng độ chất chống oxy hóa cao trong táo, bao gồm chất flavonoid và vitamin C.
8. Hàu
Trong hàu có các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của phổi, bao gồm kẽm, vitamin B và đồng. Ngoài ra, hàu là một nguồn vitamin B và kẽm tuyệt vời, chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đặc biệt đối với những người hút thuốc.
Trên đây là một số thực phẩm tự nhiên tốt phổi. Các bạn có thể tham khảo và bổ sung trong thực đơn hàng ngày của mình.
Mách bạn: Một số cách chữa cảm cúm tại nhà hiệu quả
Cảm cúm là bệnh thông thường, dễ gặp, mặc dù bệnh không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nó lại gây ra cảm giác khó chịu. Vì vậy, bài viết hôm nay quaythuoc.org sẽ mách bạn 1 số cách điều trị cảm cúm tại nhà hiệu quả.
Để phòng và điều trị cảm cúm nên uống nhiều nước và ăn các thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu trong quá trình điều trị bệnh. Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nhóm thức uống có gas và caffeine.
Một số thực phẩm có công dụng tốt trong việc điều trị cảm cúm, nên bổ sung trong khẩu phần ăn hàng ngày như:
Gừng
Đây không chỉ là một loại gia vị thường dùng mà còn có công dụng hữu ích trong việc điều trị cảm cúm. Chuẩn bị hỗn hợp gồm gừng và hạt rau mùi sắc uống hàng ngày thay nước giúp hỗ trợ triệu chứng mệt mỏi, toát mồ hôi,... giúp bệnh chóng khỏi nhanh hơn.
Canh thịt hầm rau củ
Canh là món ăn dễ tiêu hóa, tốt cho thể lực cơ thể. Có thể kết hợp nhiều loại nguyên liệu như: gà, cá, củ quả, nấm,... trong việc hầm canh. Sử dụng chúng trong bữa ăn hàng ngày có tác dụng tốt trong việc tăng sức đề kháng cơ thể để chống lại quá trình xâm nhập và phát triển của các virus gây bệnh. Từ đó, cải thiện nhanh chóng tình trạng cảm cúm.
Hỗn hợp các loại hạt
Hạt là dạng thực phẩm chứa hàm lượng cao các chất protein và chất béo có lợi cho cơ thể. Chúng có công dụng hỗ trợ chống lại sự xâm lấn của các vi khuẩn, virus gây bệnh. Đặc biệt, một số loại hạt còn chứa kẽm, đồng hay vitamin D,... có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Súc miệng bằng nước ấm pha muối
Sử dụng nước muối loãng có tác dụng diệt khuẩn sát trùng cao. Sử dụng dung dịch này kiên trì trong vài ngày sẽ giảm nhanh các triệu chứng đau họng, rát cổ và viêm nhiễm cổ họng.
Nghỉ ngơi
Nên giảm thiểu tối đa lượng công việc có tính chất nặng nhọc hay đi lại ngoài trời nhiều. Dành những khoảng thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn,... sẽ giúp tình trạng bệnh tiến triển tốt hơn.
Làm vệ sinh mũi
Đối với người bị cảm cúm, mũi trong tình trạng viêm nhiễm, chảy dịch mũi liên tục gây cảm giác khó chịu cho người bệnh. Do đó nên vệ sinh sạch sẽ mũi để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, giúp người bệnh dễ chịu hơn. Có thể vệ sinh bằng các dạng dung dịch chuyên dùng, hỉ mũi,... Sau khi thực hiện xong, nên vệ sinh tay sạch sẽ để tránh tình trạng lây lan bệnh.
Sử dụng thuốc
Khi tình trạng bệnh tiến triển xấu đi hoặc người bệnh mong muốn giảm nhanh các triệu chứng cảm cúm có thể sử dụng đến nhóm thuốc kháng sinh theo sự kê đơn của y bác sĩ chuyên môn. Thông thường, đây là nhóm thuốc kháng sinh có tác dụng giảm đau, giảm viêm nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc thường gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, tác động lên chức năng của của cơ quan khác.
Cảm cúm là bệnh phổ biến, dễ mắc phải khi thay đổi thời tiết hoặc do sức đề kháng cơ thể kém. Người bệnh có thể phòng chống cảm cúm thông qua chế độ ăn uống, sinh hoạt hoặc tiêm phòng cúm. Nếu như mắc bệnh bạn có thể sử dụng những cách điều trị cảm cúm tại nhà hiệu quả ở trên.
Phương pháp chẩn đoán và xác định giai đoạn bệnh ung thư phổi
Theo các nghiên cứu mới đây năm 2010 của trường Đại Học Y Dược Huế về bệnh ung thư phổi thì cho thấy rằng đây là bệnh ung thư thường gặp nhất ở cả 2 giới hiện nay và có tỉ lệ tử luôn đừng đầu. Nghiên cứu cho thấy rằng độ tuổi thường gặp nhất với bệnh Ung thư phổi là khoảng từ 50-59 tuổi và nam có tỉ lệ gặp là cao hơn gấp 2,5 lần. Những số liệu trên để cho thấy rằng đây là 1 căn bệnh rất nguy hiểm và mọi người cần phải tìm hiểu về bệnh ung thư phổi <== tại đây để có thể đề phòng và ngăn ngừa bệnh từ sớm. Cùng quầy thuốc tìm hiểu về cách thức chẩn đoán và các giai đoạn của bệnh Ung thư phổi dưới đây:
1. Chẩn đoán:
Chụp X – quang ngực, siêu âm nội phế quản, chụp cắt lớp (CT scan), và chụp chiếu xạ positron (PET) là phương pháp chẩn đoán có giá trị nhất. Kỹ thuật kết hợp chụp cắt lớp và phát xạ (PET/CT) cho độ chính xác cao hơn trong chẩn đoán ung thư phổi không tế bào nhỏ so với CT hay PET đơn độc.
Đặc điểm bệnh học của ung thư phổi được xác định thông qua kiểm tra tế bào học mẫu đờm và/ hoặc sinh thiết khối u bằng nội soi phế quản, nội soi trung thất (mediastinoscopy), sinh thiết phổi qua da hoặc sinh thiết phổi hở (open – lung biopsy).
Tất cả bệnh nhân cần phải được thăm khám thực thể và bệnh sử kỹ lưỡng để xác định dấu hiệu và những triệu chứng của khối u chính, mức độ lây lan, di căn, các hội chứng cận ung thư, khả năng chịu đựng được phẩu thuật hay hóa trị liệu.
Hình ảnh x-quang phổi. Ảnh: internet
2. Các giai đoạn bệnh:
Tổ chức Y tế thế giới đã xây dựng một hệ thống phân chia giai đoạn TNM dựa trên kích thước và phạm vi của khối u chính (T), sự xuất hiện các hạch bạch huyết vùng (N), và đã di căn hay chưa (M).
Một hệ thống đơn giản hơn thường được sử dụng để so sánh các cách điều trị.
Giai đoạn I: gồm các khối u tại phổi, không có sự lây lan bạch huyết,
Giai đoạn II: gồm các khối u lớn với các hạch bạch huyết quanh phế quản cùng bên hoặc tại rốn phổi,
Giai đoạn III: có sự xuất hiện của các hạch bạch huyết vùng và nơi khác tham gia
Giai đoạn IV: gồm các khối u di căn xa.
Cách phân chia 2 giai đoạn được sử dụng rộng rãi cho ung thư phổi tế bào nhỏ. Loại ung thư giới hạn được hạn chế trong ở một bên khoang ngực và có thể được gói gọn trong một cổng phóng xạ đơn. Các thể bệnh khác được xếp vào loại mở rộng.
Hy vọng cách chẩn đoán và xác định giai đoạn bệnh ung thư phổi dưới đây có thể giúp ích cho các bạn!
Người dịch: SVD5.Lê Công Tuấn Anh, ĐH Y Dược Huế
Người hiệu đính: DS. Nguyễn Thị Khánh Vân, BV FV- tp HCM
Nguồn: Pharmacotherapy Handbook 8th edition
Định nghĩa, sinh lý bệnh và biểu hiện lâm sàng của bệnh ung thư phổi
1. Định nghĩa
Ung thư phổi là một khối u rắn có nguồn gốc từ các tế bào biểu mô phế quản. Chương này phân biệt giữa ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) và ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC), do chúng khác nhau về nguồn gốc và đáp ứng điều trị.
Hình ảnh ung thư phổi. Nguồn: internet.
2. Sinh lý bệnh
Ung thư biểu mô phổi phát sinh từ các tế bào biểu mô phế quản bình thường trải qua nhiều tổn thương di truyền và có khả năng biểu hiện ra nhiều kiểu hình.
Sự hoạt hóa các proto-oncogene (gen tiền ung thư), sự bất hoạt hay đột biến các gen triệt khối u và sự sản xuất các yếu tố tăng trưởng tự tiết (autocrine) đã góp phần gây tăng sinh tế bào và biến đổi ác tính. Các biến đổi ở mức độ phân tử như sự biểu hiện quá mức của c – KIT trong ung thư phổi tế bào nhỏ và thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu mô (EGFR) trong ung thư phổi không tế bào nhỏ cũng có tác động đến tiên lượng và đáp ứng điều trị của bệnh.
Khoảng 80% ung thư phổi có nguyên nhân từ thuốc lá. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: tiếp xúc với các chất gây ung thư đường hô hấp (như bụi amiang và benzen ), các yếu tố di truyền, và tiền sử các bệnh về phổi (như COPD và hen phế quản).
Phân loại bệnh gồm:
Ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 15% trong tổng số),
Ung thư phổi biểu mô không phải tế bào nhỏ
Ung thư phổi biểu mô tuyến (chiếm 50%),
Ung thư phổi biểu mô tế bào vảy (ít hơn 30%) và
Ung thư phổi biểu mô tế bào lớn.
3. Biểu hiện lâm sàng
Dấu hiệu và triệu chứng ung thư phổi ban đầu thường gặp nhất là ho, khó thở, đau ngực hay khó chịu, có thể có ho ra máu. Nhiều bệnh nhân có kèm các triệu chứng toàn thân như chán ăn, sụt cân, mệt mỏi.
Ung thư phổi có thể gây ra các tổn thương thần kinh nếu di căn lên não, gây đau xương, gãy xương thứ cấp nếu di căn đến xương hoặc tác động đến gan gây rối loạn chức năng gan.
Hội chứng cận ung thư thường đi kèm với ung thư phổi gồm: chứng suy mòn (suy giảm cả về thể chất lẫn tinh thần), tăng canxi huyết, hội chứng tăng tiết ADH quá mức và hội chứng Cushing. Những hội chứng trên có thể là dấu hiệu đầu tiên của một khối u ác tính tiềm ẩn.
Nguồn: DS. Nguyễn Thị Khánh Vân, BV FV- TP HCM - dựa trên tài liệu Pharmacotherapy Handbook 8th edition (2012)
Các thuốc mới điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD hiện nay
Các thuốc mới điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD hiện nay
COPD hay còn gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 ở Hoa Kì và các nước phát triển trên thế giới.
Các Guidelines hiện nay thì thường khuyên cáo điều trị dựa trên nhiều yếu tố như: Số đợt cấp diễn ra, quy mô và triệu chứng của bệnh, mức độ hạn chế luồng khí lưu thông.
Các nhóm thuốc chính để điều trị bệnh COPD là: Nhóm chủ vận (kích thích) beta (Tác dụng dài hoặc ngắn). Nhóm đối kháng muscarinic và các corticoid dạng hít
Trong những năm trở lại đây khoa đã có 1 vài tiến bộ trong các nhóm thuốc điều trị bệnh COPD, không chỉ có các thuốc mới ra đời và được phê duyệt trong điều trị mà chính những thuốc cũ được sử dụng cũng được cải tiến bằng các dụng cụ, dạng chế phẩm tốt hơn cho những bệnh nhân COPD.
Dưới đây là những lợi thế của loại thuốc mới cũng như 1 số thông tin cơ bản để bác sĩ xác định thuốc nào là tốt nhất cho bệnh nhân
1. Short-acting beta-agonists (SABAs)
SABA là thuốc thường được sử dụng để điều trị đợt cấp 1 cơn COPD nặng do các thuốc thuộc nhóm này có tác dụng nhanh chóng và làm giãn đường hô hấp nhanh.
Phản ứng đợt cấp COPD với SABA thường thấp hơn so với 1 cơn hen cấp.
1.1. Albuterol sulfate (Proair Respiclick)
Đây là một dụng cụ mới của thuốc albuterol hiện có, một thuốc SABA thường được kê đơn hiện nay. FDA chấp thuận việc sử dụng các hệ thống phân phối Respiclick vào ngày 31/3/2015. Ngược lại với các thiết bị định liều hít truyền thống (MDI), Proair Respiclick là dụng cụ hít bột khô cứu hộ đầu tiên trên thị trường. Một lợi thế lớn của dụng cụ hít bột (DPI) là bệnh nhân không cần phải có sự phối hợp tay và hơi thở giống như các thiết bị truyền thống MDIs do DPIs được kích hoạt bằng hơi thở.
Việc phối hợp động tác hít thở và tay của MDI thì có thể gây khó khăn với bệnh nhân với 1 cơn COPD cấp tính trong khi thiết bị phun thì lại chi phí cao và khó sử dụng. Sử dụng thiết bị DPI có thể cải thiện khả năng phân phói albuterol và mang lại hiệu quả cao hơn trong những tình huống cấp tính.
Hiện nay, Proair Respiclick chỉ được chấp thuận sử dụng ở những bệnh nhân 12 tuổi trở lên. Những người có chức năng phổi suy giảm, những người không thể hít mạnh và / hoặc sâu không nên sử dụng.
Cũng giống như các dạng bào chế khác của albuterol thì tác dụng phụ thường gặp là tim đập nhanh, run rẩy.
2. Long-acting beta-agonists (LABAs)
Cả LABA và LAMA đều được sử dụng như là phương pháp điều trị duy trì lâu dài trong quản lý COPD. Chúng rất hữu ích ở những bệnh nhân COPD mức độ từ trung bình đến nặng.
Những thuốc trên được chứng minh là cải thiện chức năng phổi và giảm các triệu chứng nhưng không tác động được đến tỉ lệ tử vong:
2.1. Indacterol (Arcapta Neohaler)
Indacaterol là một LABA được chấp thuận bởi FDA ngày 01/07/2011, và được tiếp thị dưới cái tên độc quyền Arcapta Neohaler. Thuốc chỉ được sử dụng trong COPD và không được chỉ định trong Hen Phế Quản. Lợi thế lớn Arcapta Neohaler là liều dùng mỗi ngày một lần. Những dữ liệu hiện tại của thuốc này chứng minh rằng chúng có thể cải thiện chức năng phổi tốt hơn Salmeterol và formoterol 2 lần/ngày.
Các tác dụng phụ thường gặp nhất là chảy nước mũi, ho, đau họng, đau đầu và buồn nôn.
2.2. Olodaterol (Striverdi Respimat)
Đây là một loại thuốc mới với một hệ thống phân phối mới. Nó đã được chấp thuận bởi FDA vào ngày 31/07/2014
Giống như indacaterol, olodaterol được sử dụng liều 1 lần/ngày. Cả hai loại thuốc cho thấy hiệu quả tương tự trong điều trị COPD.
Dụng cụ Respimat là 1 dụng cụ phun sương di chuyển chậm mà không sử dụng máy đẩy giống như MDI truyền thống. Điều này giúp các thuốc theo các đường cong tự nhiên của cổ họng dễ dàng hơn và đi sâu vào trong phổi.
Bằng chứng cũng cho thấy sự sụt giảm lắng đọng trong miệng và cổ họng được nhìn thấy với cả MDI và DPIs.
Và Respimat là hữu ích cho những bệnh nhân có chức năng phổi giảm.
Olodaterol thì chọn lọc hơn với thụ thể β2 trên β1 hơn formoterol hoặc salmeterol, do đó ít dẫn tới nhịp tim nhanh trên bệnh nhân so với LABA cũ, điều này đặc biệt tốt cho những bệnh nhân mà không thể chịu đựng bất kì tác động của nhịp tim do các bệnh mắc kèm.
Tác dụng phụ: Co thắt phế quản ngược, hạ Kali máu, chóng mặt, tăng đường huyết.
Nguyên nhân và cách điều trị bệnh viêm phế quản
Cùng quầy thuốc tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị bệnh viêm phế quản.
Bệnh viêm phế quản.
1. Nguyên nhân gây viêm phế quản:
Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp tính:
Thường được gây ra bởi virus, thường là virus gây cảm lạnh và cúm (cúm). Và như chúng ta đã biết thì kháng sinh là không có tác dụng đối với các loại virus nên chính vì vậy với bệnh viêm phế quản cấp thì hầu như không có tác dụng. Và hầu hết các tình trạng trên đều có thể tự khỏi được bệnh trong vòng 2 tuần.
Nguyên nhân gây viêm phế quản mãn tính:
Phổ biến nhất là hút thuốc lá. Ô nhiễm không khí và bụi, khí độc hại trong môi trường hoặc nơi làm việc cũng có thể đóng góp vào tình trạng này.
2. Điều trị bệnh viêm phế quản:
2.1. Biện pháp dùng thuốc:
Kháng sinh: Viêm phế quản thường do nhiễm virus, vì vậy kháng sinh không có hiệu quả. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh để tránh trường hợp bội nhiễm vi khuẩn sẽ làm nặng tình trạng bệnh hơn.
Thuốc ho: Sử dụng thuốc ho không hẳn là tốt cho viêm phế quản mà ho sẽ giúp loại bỏ chất kích thích và đờm. Nhưng nếu bạn ho quá không ngủ được thì có thể sử dụng thuốc ho trước khi đi ngủ.
Thuốc khác: Nếu bị hen, dị ứng, COPD có thể sử dụng dạng hít của thuốc để chống viêm.
2.2. Biện pháp không dùng thuốc:
Bạn có thể muốn thử các biện pháp tự chăm sóc sau đây:
Tránh các chất kích thích phổi.
Không hút thuốc.
Mang khẩu trang khi ra ngoài đường hoặc tiếp xúc với chất kích thích.
Sử dụng máy tạo độ ẩm.
Giữ ấm cho cơ thể để giảm ho và các triệu chứng của viêm phế quản và làm lỏng đờm trong đường hô hấp.
Giữ gìn đường hô hấp sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn bằng các dung dịch tẩy rửa nước muối biển đang thông dụng trên thị trường.
Theo Mayoclinic
Bệnh viêm phế quản là gì và triệu chứng của bệnh
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc của ống phế quản do nhiễm trùng đường hô hấp (ống phế quản là cơ quan dẫn khí vào phổi). Những người bị viêm phế quản thường ho ra chất nhày đặc, có thể được đổi màu. Viêm phế quản có thể là bệnh cấp tính hoặc mãn tính.
Viêm phế quản.
Viêm phế quản cấp tính thường được cải thiện trong vòng một vài ngày mà không ảnh hưởng lâu dài. Tuy nhiên nếu để tình trạng bệnh kéo dài và lặp lại có thể dẫn tới bệnh viêm phế quản mạn tính. Và viêm phế quản mạn có thể dẫn tới bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Vậy triệu chứng của bệnh viêm phế quản là gì?
Ho
Đường hô hấp xuất hiện nhiều đờm có thể đờm trắng hoặc vàng, xanh.
Mệt mỏi
Khó thở
Cơ thể có thể bị sốt hoặc sốt nhẹ.
Tức ngực
Với tình trạng viêm phế quản cấp: ho dai dẳng trong vài tuần sau khi hết viêm.
Với viêm phế quản mạn: Ho kéo dài có đờm ít nhất 3 tháng. Và có thể tái phát trong nhiều năm.
Cần đi khám bệnh ngay nếu gặp các trường hợp:
Ho kéo dài hơn ba tuần.
Ho không thể ngủ được.
Sốt cao hơn 100.4 F (380C).
Đờm đổi màu.
Ho ra máu.
Ho kết hợp thở khò khè và khó thở.
Theo Mayoclinic
Bệnh cảm cúm và hướng dẫn điều trị bệnh cảm cúm
Bệnh cúm.
1. ĐỊNH NGHĨA
Hiện nay chúng ta đang gặp khá nhiều dịch cúm lớn xảy ra trên toàn thế giới như H5N1, H1N1, ... và nhiều dịch cúm đã lan rộng trên toàn thế giới nhanh chóng và gây ra nhiều trường hợp tử vong và hoang mang cho dân số thế giới.
Bệnh Cúm là bệnh do virus gây ra, có tỷ lệ tử vong và nhập viện cao, đặc biệt ở những người dưới 65 tuổi.
Cúm lây truyền qua đường hô hấp và tốc độ lan truyền rất nhanh chóng. Mặc dù đã có nhiều vaccin phòng cúm nhưng chủng virus cúm biến đổi rất nhanh và khả năng kháng thuốc khá là cao. Chính vì vậy mà bệnh cúm được xem là 1 trong nhưng bệnh nguy hiểm và được chú ý nghiên cứu phát triển nhất để tránh những dịch bệnh lớn bùng phát ảnh hưởng sức khỏe toàn thế giới.
2. BIỂU HIỆN, TRIỆU CHỨNG BỆNH CÚM TRÊN LÂM SÀNG
Sốt trên 38 độ C.
Ớn lạnh và đổ mồ hôi.
Nhức đầu.
Ho khan.
Đau nhức cơ bắp, đặc biệt là ở lưng, tay và chân.
Mệt mỏi và yếu.
Nghẹt mũi.
Biểu hiện lâm sàng còn tùy thuộc vào thể trạng cơ thể và các bệnh mắc kèm (thói quen sinh hoạt và bệnh sẵn có của bản thân)
Dấu hiệu – triệu chứng bệnh thường được cải thiện sau 3 – 7 ngày dù mệt mỏi và ho có thể kéo dài thêm 2 tuần nữa.
3. XÉT NGHIỆM
Tiêu chuẩn vàng: nuôi cấy trong môi trường khuẩn lạc để xác định chính xác virus cúm.
Phương pháp nhanh: PCR, xét nghiệm phản ứng kháng thể huỳnh quang trực tiếp.
X-quang phổi: khi nghi ngờ viêm phổi chứ không phải do cúm virus.
4. CÁCH PHÒNG BỆNH
Hiện nay do chưa có thuốc đặc trị bệnh cúm nên cách hiệu quả nhất là sử dụng biện pháp tiêm phòng vaccin.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh: nên giữ gìn vệ sinh và sử dụng các biện pháp tránh tiếp xúc với nguồn bệnh bằng cách đeo khẩu trang y tế, rửa tay bằng xà phòng,...
Khuyến khích tiêm phòng vắcxin cúm hàng năm cho tất cả những người từ 6 tháng tuổi trở lên và những người chăm sóc cho những trẻ dưới 6 tháng tuổi (như bố mẹ, giáo viên, người giữ trẻ).
Tiêm vắc xin cũng được khuyến cáo dùng cho những người đang sống và/hoặc đang chăm sóc cho nhưng người có nguy cơ cao như cán bộ y tế hay người thân. Thời gian tốt nhất để tiêm vắcxin là tháng 10 hoặc tháng 11 để tăng cường và duy trì miễn dịch trong suốt thời điểm dễ mắc cúm nhất.
2 vắcxin hiện nay được sử dụng để phòng cúm là vắc xin cúm mùa tam liên (trivalent influenza vaccine -TIV) và vắc xin cúm sống giảm độc lực (live-attenuated influenza vaccine -LAIV). Các chủng cụ thể trong vắcxin mỗi năm có thể thay đổi dựa vào kháng nguyên của virus. Trong đó, TIV được FDA công nhận dùng cho trẻ 6 tháng tuổi trở lên bất kể tình trạng miễn dịch thế nào. Điều đáng chú ý hiện nay là trên thị trường cũng đã có vài loại vắcxin cúm khác được chấp nhận để tiêm phòng cho nhiều độ tuổi khác nhau (Bảng 41-1).
Người trên 65 tuổi tiêm phòng vắcxin có thể tránh được biến chứng cũng như giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do cúm. Tuy nhiên, khả năng tạo ra kháng thể miễn dịch khi tiêm vắcxin ở nhóm người này yếu nên vẫn còn khả năng mắc bệnh.
Tác dụng phụ thường gặp nhất khi tiêm TIV là đau nơi tiêm kéo dài dưới 48h. TIV có thể gây sốt và mệt mỏi ở những người lần đầu tiêm vắcxin. Phản ứng dị ứng (phát ban, sốc phản vệ toàn thân) hiếm khi xảy ra khi tiêm vắcxin phòng cúm và dường như là kết quả do bệnh nhân có phản ứng với loại protein trứng, là thành phần trong vắc xin. Tiêm phòng cúm nên hạn chế những người không có nguy cơ cao bị biến chứng cúm hay người mắc phải hội chứng Guillain–Barré trong vòng 6 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin phòng cúm trước đó.
LAIV được sản xuất từ virus sống đã giảm độc lực, được chấp thuận dùng qua đường mũi ở những người khỏe mạnh từ 2 – 49 tuổi (Bảng 41-2). Ưu điểm của LAIV là dễ dùng, đường mũi được ưa chuộng hơn đường tiêm bắp và có khả năng gây đáp ứng miễn dịch hệ thống rộng hơn.
LAIV chỉ được cho phép sử dụng một phần ở trẻ trên 2 tuổi vì một số tài liệu cho rằng LAIV làm tăng bệnh hen suyễn và kích ứng đường hô hấp ở những trẻ dưới 5 tuổi. Tác dụng phụ điển hình của LAIV thường là sổ mũi, xung huyết mũi, đau họng, nhức đầu. LAIV không nên dùng ở những người bị suy giảm miễn dịch.
5. MỤC TIÊU ĐIỀU TRỊ
Do không có thuốc đặc trị nên mục tiêu điều trị của bệnh cúm chỉ là kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng là chủ yếu:
- Kiểm soát triệu chứng
- Ngăn ngừa biến chứng
- Giảm thiểu thời gian nghỉ học/nghỉ làm
- Ngăn chặn lây lan dịch bệnh
6. THUỐC ĐIỀU TRỊ
Oseltamivir:
Người lớn: 75mg x 2lần/ ngày x 5 ngày (viên nang)
Trẻ:
Dưới 3 tháng: 12mg x 2lần/ ngày
3 – 5 tháng: 20mg x 2 lần/ngày
6 – 11 tháng: 25mg x 2lần/ngày
Từ 1 tuổi
<15kg: 30mg x 2lần/ngày
16 – 23kg: 45mg x 2lần/ngày
23 – 40kg: 60mg x 2lần/ngày
>40kg: 75mg x 2lần/ngày
Zanamivir:
Người lớn: 2 lần hít mỗi 12h trong 5 ngày.
Trẻ em: 2 lần hít mỗi 12h trong 5 ngày dành cho trẻ từ 7 tuổi trở lên.
Rimatadine:
Người lớn: 200mg/ngày chia 1 – 2 lần uống trong 7 ngày
Trẻ em:
1 – 9 tuổi hoặc dưới 40kg: 6.6mg/kg/ngày chia 2 lần mỗi ngày (tối đa 150mg/ngày)
Từ 10 tuổi trở lên: 200mg/ngày chia 1 – 2 lần. Điều trị 5 – 7 ngày.
Amantadine:
Người lớn: 200mg/ngày chia 1 – 2 lần trong 24 – 48
Trẻ em:
Trên 12 tuổi: liều như của người lớn.
1 – 9 tuổi: 5mg/kg/ngày
Phác đồ điều trị lao phổi mới nhất
Phác đồ điều trị bệnh lao phổi dùng thuốc và biện pháp không dùng thuốc mới nhất năm 2015 hiện nay.
Bệnh lao phổi.
1. Phác đồ điều trị bệnh lao dùng thuốc:
Các thuốc hay dùng:
Isoniazid: H
Rifampicin: R
Pyrazinamid: Z
Ethambutol: E
Streptomycin: S
a/ Điều tri lao mới: 2SHRZ/6HE
Chỉ định:
- Điều trị cho tất cả các bệnh hân lao mới
- Sau 2 tháng tấn công nhưng Xno AFB vẫn (+) thì dùng thêm 1 tháng HRZ, sau đó chuyển sang điều trị duy trì.
- Sau 5 tháng AFB (+) thì chuyển sang dùng phác đồ điều trị lại.
- Các trường hợp lao phổi nặng, lao màng não, lao kê… có thể kéo dài thời gian điều trị.
b/ Phác đồ điều trị lại: 2SHRZE/1HRZE/5H3R3E3
2 tháng đầu điều trị 5 thuốc SHRZE, 1tháng sau dùng HRZE, 5 tháng cuối dùng HRE x 3lần/tuần.
Chỉ định:
- Lao mới điều trị thất bại: sau khi hoàn thành phác đồ nhưng AFB vẫn (+).
- Lao tái phát: sau khi hoàn thành phác đồ AFB (-), nhưng sau bệnh lại tái phát.
c/ Điều trị lao trẻ em: 2HRZ/4RH
Chỉ định:
- Dùng trong mọi thể lao ở trẻ em.
- Nếu lao nặng: lao màng não, lao kê thì dùng thêm S trong 2 tháng đầu.
2. Điều trị lao không dùng thuốc:
- Cắt đứt nguồn lây: Điều trị cho người mắc bệnh lao & giữ vệ sinh môi trường.
- Dự phòng đặc hiệu: tiêm vaccin BCG
- Dự phòng không đặc hiệu: thực hiện tốt chế độ ăn uống, nghỉ nghơi, vệ sinh…
- Dự phòng bằng thuốc chống lao: Isoniazid cho bệnh nhân nhiễm HIV
Nguyên tắc điều trị bệnh lao
1. Định nghĩa:
Bệnh Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh có thể biểu hiện cấp tíh hay mạn tính.
Bệnh lao phổi.
2. Nguyên nhân:
Vi khuẩn lao người (Mycobacterium tubercculosis) là chủng chủ yếu gây bệnh lao trên TG. Các vi khuẩn khác thuộc họ Mycobacteria cũng có thể gây bệnh lao nhưng hiếm gặp.
Do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, vi khuẩn này có đặc điểm:
- Là vi khuẩn ái khí
- Kháng cồn – kháng acid, bắt màu đỏ khi nhuộm Ziehl-Neelsen.
- Sinh sản chậm, thời gian phân đôi là 15 – 22h, tồn tại ở môi trường từ 3 – 4 tháng.
3. Cơ chế bệnh sinh.
Vi khuẩn lao xâm nhập chủ yếu qua đường hô hấp do hít phải vi khuẩn lao trong không khí từ bệnh nhân lao ho, khạc nhổ, hắt hơi; ngoài ra có thể lây qua đường da, tiêu hóa.
Bệnh lao diễn biến qua 2 giai đoạn:
- Giai đoạn nhiễm lao ( lao sơ nhiễm)
- Giai đoạn lao thứ phát ( bệnh lao )
Khoảng 10% lao sơ nhiễm chuyển thành bệnh lao do hệ thống miễn dịch kém, 90% còn lại thường không có biểu hiện lâm sàng hoặc có thể tự khỏi hoàn toàn.
4. Triệu chứng lao phổi:
4.1 – Triệu chứng lâm sàng
- Bệnh nhân gầy sút, mệt mỏi, chán ăn.
- Ra mồ hôi về đêm, sốt nhẹ kéo dài về chiều.
- Ho kéo dài > 2 tuần, có thể ho khan hoặc ho có đờm
- Đau ngực âm ỉ
- Khám phổi: không có gì đặc biệt hoặc có ít ran nổ rải rác.
4.2 – Triệu chứng cận lâm sàng
a/ Xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong đờm: là phương pháp đặc hiệu nhất
- Nhuộm soi trực tiếp theo phương pháp Ziehl-Neelsen,kết qủa AFB (+)
- Nuôi cấy trong môi trường Loeweinstein sau 8 tuần có khuẩn lạc mọc.
b/ Xét nghiệm máu:
- Số lượng và tỷ lệ bạch cầu lympho tăng.
- Tốc độ máu lắng tăng cao
c/ Phản ứng da với tuberculin:
- Mantoux (+)
d/ X quang phổi
Các tổn thương đa dạng, thường gặp các đám mờ ở đỉnh và hạ đòn 1hoặc 2 bên phổi.
Các dạng tổn thương:
- Nốt mờ
- Đám thâm nhiễm
- Hang lao
- U lao
- Nốt vôi hóa
- Các dải xơ ở phổi
5/ Nguyên tắc điều trị bệnh lao:
- Phải phối hợp thuốc.
- Phải dùng thuốc đúng liều và đủ thời gian quy định.
- Phải dùng thuốc liên tục, đều đặn.
- Điều trị thường chia 2 giai đoạn: giai đoạn tấn công và giai đoạn duy trì.
- Điều trị có kiểm soát.
- Cải thiện chế độ dinh dưỡng.